"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Slovakia đến khi họ có máy bay mới. Tôi không thấy vấn đề gì và chính phủ sẽ chấp thuận phương án này", Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nói trong cuộc thảo luận trên truyền hình với người đồng cấp Slovakia Eduard Heger hôm 3/7, thêm rằng không quân Cộng hòa Czech có thể bắt đầu tuần tra không phận Slovakia từ tháng 9.
Thủ tướng Heger hồi tháng 4 cho biết chính phủ của ông đã được yêu cầu cung cấp chiến đấu cơ MiG-29 để hỗ trợ Ukraine, thêm rằng cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Slovakia muốn chấm dứt phụ thuộc vào tiêm kích MiG-29, bởi quốc gia này không thể duy trì khí tài từ thời Liên Xô nếu không tiếp tục giữ quan hệ với Nga.
"Chúng tôi đang chờ đợi tiêm kích F-16", ông nói. Không quân Slovakia dự kiến nhận 14 chiếc F-16 để thay thế phi đội 12 chiến đấu cơ MiG-29 trong năm nay, nhưng thời điểm bàn giao đã lùi sang năm 2024.
Thủ tướng Heger khi đó khẳng định nước này thảo luận rất tích cực với các đối tác về việc ai sẽ bảo vệ không phận Slovakia nếu chuyển tiêm kích cho Ukraine, xác nhận Slovakia sẽ chuyển MiG-29 cho Ukraine nếu được các đối tác phương Tây đưa ra một số đảm bảo nhất định.
Slovakia từng chuyển hệ thống phòng không S-300 duy nhất trong biên chế cho Ukraine, như một phần thỏa thuận hoán đổi lấy tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ.
Cùng với Bulgaria và Ba Lan, Slovakia là một trong số ít thành viên NATO còn sử dụng chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Liên Xô, dòng máy bay mà các phi công Ukraine đã rất quen thuộc và có thể vận hành ngay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi về cách có thể chuyển số máy bay MiG-29 cho Ukraine. Tiêm kích bay trực tiếp từ Slovakia đến Ukraine có thể bị Moskva coi là hành động gây chiến, dẫn tới xung đột quân sự trực diện giữa Nga và NATO. Trong khi đó, phương án tháo rời phi cơ và chuyển bằng đường sắt đi kèm với nguy cơ tàu hỏa bị lực lượng Nga tập kích khi tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Vũ Anh (Theo RT)