Nghệ sĩ Pháp gốc Việt Cyril Kongo được xem là huyền thoại graffiti khi tiên phong thúc đẩy bộ môn này phát triển ở châu Âu trong 25 năm qua. Ông về thăm quê hương và giao lưu với người hâm mộ từ ngày 19 đến 24/10. Nghệ sĩ dành thời gian trải nghiệm Hà Nội như dạo phố cổ, đi xem đồ thủ công mỹ nghệ, uống trà đá vỉa hè, mua hoa quả ở những gánh hàng rong. Kongo cũng về Sài Gòn - nơi ông từng sống một thời gian ngắn hồi nhỏ trước khi theo gia đình sang Pháp. Nghệ sĩ trò chuyện với VnExpress về công việc và đời tư.
- Cảm xúc của ông khi trở về quê hương sau nhiều năm?
- Tôi cảm thấy rất tuyệt vời, bởi một phần trong tôi luôn kết nối với mảnh đất này. Đây mới chỉ là lần thứ hai tôi về Việt Nam từ năm 2018 và cũng là lần đầu tiên được thấy các tác phẩm của mình trưng bày tại Hà Nội và Sài Gòn. Khi trở về, tôi thấy mình như được tái sinh, bắt đầu vòng tròn của cuộc đời.
>>> Cyril Kongo dạo phố thu Hà Nội
- Các tờ Forbes, Prestige gọi ông là huyền thoại graffiti. Ông nghĩ thế nào về danh xưng này?
- Tôi không tin và cũng không xem mình là một huyền thoại, chỉ cảm giác là một người đang hoàn thành hành trình của mình. Với tôi, quá khứ không quan trọng, tương lai thì chưa tới, nên tôi chỉ tập trung đến hiện tại và bản thân.
- Năm 18 tuổi, ông bỏ học để đi vẽ tranh, gia đình ông phản ứng ra sao?
- Mẹ tôi giận lắm, không nói chuyện với tôi mấy tháng trời. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đôi khi phải gạt bỏ ước mơ của người khác áp đặt lên mình. Có những kỳ vọng mọi người nghĩ là tốt, nhưng chỉ bản thân mới hiểu được mình có hạnh phúc hay không.
Ngày trước, để quyết định như vậy cũng không dễ dàng gì. Tôi phải chứng tỏ rất nhiều với bố mẹ rằng con có thể đi theo ước mơ của mình mà vẫn sống hạnh phúc. Định nghĩa hạnh phúc của mỗi người là rất khác nhau. Với tôi, hạnh phúc không phải là tiền bạc. Tiền có thể mua được xe, nhà, nhưng không mua được hạnh phúc.
Giờ nghĩ lại, tôi rất thấu hiểu nỗi lòng của bố mẹ. Vì giờ tôi cũng là cha, cũng không muốn con cái đi sai đường. Tôi đang cố gắng cân bằng, để con được đi theo lựa chọn mà con thấy hạnh phúc.
- Trong những ngày lang thang vẽ khắp các bức tường ở ngoại ô Paris, ông làm những gì để trang trải cuộc sống?
- Thật hạnh phúc và may mắn khi tôi chưa phải làm nhân viên ở cơ quan nào đó mà vẫn có chút tiền dắt lưng. Tôi đi vẽ trên áo thun, thiết kế những vật dụng nhỏ, đủ để trả tiền thuê nhà và mua một ít đồ ăn sống qua ngày. Lúc đó, tôi nghĩ rằng chỉ cần có đồ ăn vào bụng là có thể sống và sáng tác từ ngày này qua ngày khác. Quần áo thì chỉ có vài bộ mua ở chợ đồ cũ. Tôi tự thêu áo, vẽ giày, nhờ thế sức sáng tạo lúc nào cũng sôi sục. Thấy con kiên trì, quyết tâm, bố cũng thương và hỗ trợ nhiều. Bố tôi có một tiệm ăn trong thành phố. Hàng ngày ông dạy tôi nấu ăn, cuốn nem và bảo tôi qua cửa hàng giúp việc để có thêm thu nhập.
>>> Một số tác phẩm tiêu biểu của Cyril Kongo
- Những năm 1980-1990, khi graffiti chưa được công nhận là nghệ thuật, ông đối mặt với những khó khăn thế nào khi sáng tác trên đường phố?
- Tôi từng bị người ta đuổi đánh khi lang thang vẽ trên đường. Ngay cả khi tôi được trả tiền để trang trí một tác phẩm, người ta đi ngang qua, chỉ cần thấy tôi mở túi và lấy bình sơn ra là lập tức báo cảnh sát. Tôi nhớ có lần cảnh sát đến và chĩa súng vào tôi rồi nói: "Ê, đứng lại, anh không được chạy đi đâu hết". Tôi trả lời: "Tôi đang làm việc, người ta trả tiền cho tôi làm cái này mà, không phải vẽ bậy đâu". Lúc đó người ta nghĩ graffiti chỉ là hành động phá hủy công trình công cộng, chứ không nhìn ra chúng tôi đang sáng tạo, làm cho đường phố có nhiều sắc màu và đẹp đẽ hơn.
Bị gọi là kẻ phá hoại, thậm chí là loài kền kền, tôi quyết định tổ chức Lễ hội Graffiti quốc tế năm 2002. Lúc ấy, tôi mới có cơ hội chia sẻ: "Là những đứa con của Paris, chúng tôi không thể nào lại phá hoại thành phố này". Sau đó, tôi hợp tác với hãng Daum vẽ trên bình sơn xịt bằng pha lê để tôn vinh những nghệ sĩ graffiti. Sự kiện đặc biệt có ý nghĩa lớn với tôi, vì ngày xưa dụng cụ vẽ graffiti này bị xem là hình ảnh của sự phá hoại, người ta cứ thấy ai đó móc bình xịt ra là có phản ứng ngay.
- Với ông, graffiti là gì?
- Graffiti mang ý nghĩa còn hơn cả sự tồn tại. Graffiti là tự do, hy vọng, là cách để tôi thể hiện bản thân, một khía cạnh khác trong tôi.
Năm 1987, tôi khởi đầu bằng việc vẽ và ký tên mình lên các đồ vật trên đường phố. Năm 2007, graffiti đã giúp tôi mở ra cơ hội hợp tác với Hermes, đánh dấu sự phát triển của môn nghệ thuật này trong địa hạt thời trang xa xỉ. Phải đến lúc này, những nhà sưu tầm mới công nhận đây là nghệ thuật. Lúc đó, tôi cảm thấy hơi tiếc và buồn một chút, vì bản chất nó vẫn là nghệ thuật, mà tại sao bây giờ lên chiếc khăn thì mới được mọi người nhìn nhận. Nhưng tôi nghĩ thôi muộn còn hơn không.
- Kế hoạch sắp tới của ông là gì?
- Tôi không muốn nói trước điều gì. Graffiti là tự do mà, chúng ta không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng chắc chắn khi tôi nảy ra ý tưởng, tôi sẽ cùng bàn bạc với mọi người và thực hiện. Nếu được, tôi muốn vẽ một tác phẩm nào đó trên đường phố Việt Nam.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng ở trường, chúng ta không nhất thiết phải học giỏi mọi thứ. Nếu đam mê bộ môn nào đó, chúng ta có thể chỉ tập trung vào nó thôi. Bạn có thể chỉ vẽ, nhảy hay viết lách... thì vẫn có thể trở thành một ai đó như bạn mơ ước. Ngày xưa, người ta đối xử với tôi như người vẽ bậy, kẻ nổi loạn. Nhưng bây giờ người ta lại coi tôi là một nghệ sĩ. Đó là hành trình tôi đã đi và đã chọn.
Ý Ly thực hiện