Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol hôm 3/5 cho biết lực lượng vũ trang nước này đã tiêu diệt nhóm lính đánh thuê đổ bộ bằng xuồng cao tốc từ Colombia, chặn đứng âm mưu "xâm lược bằng đường biển" nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Một trong những tay súng bị bắn chết được cho là Roberto Colina, cựu sĩ quan quân đội Venezuela có liên hệ với tướng về hưu Cliver Alcala, người bị Washington buộc tội "khủng bố ma túy" và tự giao nộp mình cho Mỹ hồi cuối tháng 3.
Cuộc đổ bộ thất bại bằng đường biển hôm 3/5 là âm mưu tấn công Venezuela thứ hai có liên quan đến tướng Alcala trong hơn một tháng qua.
Thông tin về vụ tấn công đầu tiên vẫn rất mù mờ, thậm chí giới chức Mỹ còn cho rằng nó không tồn tại. Tuy nhiên, sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Caracas vẫn ở mức cao khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy nỗ lực gây sức ép bằng chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm buộc Tổng thống Maduro từ chức.
Mọi chuyện bắt đầu hôm 23/3, khi cảnh sát Colombia chặn một xe van đang di chuyển ở miền bắc nước này về phía biên giới Venezuela. Họ tìm thấy 26 súng trường bán tự động, mũ bảo hiểm, kính nhìn đêm và áo chống đạn trong thùng xe.
Ba ngày sau, tướng Alcala lên tiếng khẳng định mình là người đứng sau lô khí tài này. "Tôi và những người ủng hộ đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch quân sự chống lại chính quyền Maduro", Alcala nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Colombia.
Vào thời điểm đó, tướng Alcala đang sống tại Colombia sau khi rời khỏi Venezuela. Alcala, sinh năm 1961, từng tham gia cuộc đảo chính chống lại tổng thống Carlos Andres Perezin tháng 2/1992, sau đó thăng tiến trong quân đội Venezuela và được phong hàm thiếu tướng, tư lệnh quân khu Guayana.
Alcala được cho là có thời kỳ nắm giữ quyền lực lớn hơn cả Maduro. Tuy nhiên, sau khi Maduro lên nắm quyền năm 2013, Alcala rời khỏi quân đội, chuyển tới Colombia năm 2018 và trở thành "tư lệnh" của nhóm các binh sĩ Venezuela đào ngũ trốn sang nước này.
Cựu tướng này khẳng định các cố vấn Mỹ và thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido biết về kế hoạch đưa vũ khí vào Venezuela hồi tháng 3, thêm rằng họ và các chính trị gia Colombia cùng ký văn bản phê chuẩn chiến dịch nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Chính phủ Venezuela nhanh chóng coi tuyên bố của Alcala là bằng chứng thể hiện những cáo buộc từ lâu rằng Guaido đang hợp tác với Mỹ và Colombia nhằm lật đổ Maduro.
"Các cuộc tấn công khủng bố đang chuẩn bị nhằm vào Venezuela là chiến dịch khởi đầu ở Miami, ở thủ đô Washington, ở Colombia nhằm bào chữa cho âm mưu đảo chính. Chính phủ Mỹ đứng sau âm mưu này. Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng phải chịu trách nhiệm", Maduro nói.
Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek William Saab sau đó yêu cầu Guaido ra làm chứng. Thủ lĩnh đối lập Venezuela từ chối và khẳng định không biết tới âm mưu này. "Đó là những lời nói dối nguy hiểm vì có thể được dùng làm căn cứ để bắt hoặc hãm hại tổng thống lâm thời Juan Guaido", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Đặc phái viên Mỹ về Venezuela Elliott Abrams cho rằng cáo buộc Guaido thuê tướng Alcala loại bỏ Tổng thống Maduro là "sự dối trá đáng khinh và rất nguy hiểm".
Tuyên bố của tướng Alcala được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố tội danh "khủng bố ma túy" nhằm vào ông, Tổng thống Maduro và nhiều quan chức Venezuela, đồng thời treo giải thưởng 10 triệu USD cho người giúp bắt Alcala.
Alcala nói ông không có gì để che giấu và tự nộp mình cho quan chức Mỹ tại Colombia. Cựu tướng Venezuela được đưa khỏi quốc gia này chỉ sau vài giờ, dù các công tố viên Colombia cho biết không có lệnh truy nã hay yêu cầu dẫn độ ông. Alcala sau đó được chuyển đến thành phố New York để thẩm vấn.
Caracas và Washington đã đưa ra những cách giải thích trái ngược nhau về sự việc này.
Chính phủ Venezuela cho rằng Mỹ đang tìm cách giải cứu "đặc vụ" Alcala sau khi âm mưu đảo chính thất bại và quyết định truy tố tội khủng bố ma túy là cách giúp họ đưa Alcala về Mỹ trước khi ông tiết lộ thêm các thông tin mật.
Trong khi đó, Washington cho rằng cựu tướng Venezuela đang hành động theo lệnh Caracas khi đưa ra những cáo buộc nhằm vào Guaido. "Rõ ràng ông ấy bị buộc phải đưa ra những thông tin tồi tệ và nhận ra mình phải rời Colombia để đến một nơi thật sự an toàn, đó là nước Mỹ", đặc phái viên Abrams nói.
Quan hệ Mỹ - Venezuela gần đây vẫn căng thẳng, khiến cáo buộc tấn công đảo chính nhằm vào Caracas giống như đổ thêm dầu vào lửa.
Một tàu hải quân Venezuela bị chìm hồi tháng trước sau khi va chạm với du thuyền treo cờ Bồ Đào Nha trên biển Caribbean. Chủ hãng tàu dân sự cáo buộc tàu chiến Venezuela "nổ súng" trước, trong khi Tổng thống Maduro cáo buộc du thuyền này chở lính đánh thuê nhưng không đưa ra bằng chứng.
Một ngày sau, chính phủ Mỹ kêu gọi Maduro từ chức, bàn giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp để đổi lấy hỗ trợ nhân đạo và gỡ bỏ cấm vận nhằm giúp Venezuela đối phó Covid-19. Caracas bác bỏ đề xuất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố điều tàu chiến tới gần Venezuela để ngăn chặn "tội phạm, bọn khủng bố và những kẻ muốn lợi dụng đại dịch để tuồn ma túy vào nước Mỹ".
"Donald Trump đã phát điên. Nếu tiến vào Venezuela, ông ta sẽ bị đánh bại", Maduro đáp trả, đồng thời ra lệnh điều động nhiều đơn vị pháo binh để chuẩn bị cho "cuộc chiến bảo vệ hòa bình".
Vũ Anh (Theo Financial Times)