Tôi đang sống trong căn hộ nhỏ gần tòa soạn tại Hà Nội. Nhờ vậy, tôi thường chỉ dùng xe cộ để di chuyển quãng ngắn, nhiều khi cuốc bộ đi làm. Tiền điện của gia đình tôi chỉ ở mức trung bình so với các hộ trong chung cư. Ở điểm này tôi là một cá nhân phát thải không quá đáng.
Nhưng thú thật, tôi đang làm việc chăm chỉ để mong muốn đổi một căn hộ rộng hơn cho gia đình, đổi chiếc xe cũ hiện nay sang xe đời mới, công suất lớn hơn và có thể là ngốn nhiều xăng hơn. Tôi cũng sẽ không ngại có hai chiếc xe, mua các thiết bị điện tử mới trong nhà nếu đủ điều kiện.
Hàng tỷ người trên khắp thế giới đang cùng mong muốn như tôi. Các nền kinh tế phải liên tục tăng trưởng, phát triển tầng lớp trung lưu và có thêm các tỷ phú đô la. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm các nhà máy, hạ tầng, phương tiện giao thông, các đô thị mới, ngốn thêm năng lượng và nhiên liệu hoá thạch.
Theo các nhà nghiên cứu, 51 tỷ là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà nhân loại trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Con số này đang tăng lên. Sứ mệnh của 30.000 đại biểu đến dự COP26, đặc biệt là các nhà lãnh đạo rất rõ ràng. Các quốc gia phát thải nhiều nhất, đồng thời là những nước giàu nhất, phải đạt được phát thải ròng - chênh lệch giữa lượng khí nhà kính được phát thải và loại bỏ khỏi bầu khí quyển - bằng 0 vào năm 2050. Sau đó là các quốc gia thu nhập trung bình, rồi đến phần còn lại của thế giới phải đạt được điều này.
Tại sao lại là 0? Bill Gates giải thích điều này trong cuốn sách mới của ông. Nếu ví biến đổi khí hậu như một chiếc bồn tắm được từ từ đổ đầy nước. Ngay cả khi chúng ta chỉ cho nước chảy nhỏ giọt, bồn tắm cuối cùng vẫn sẽ đầy và nước tràn ra sàn. Đó là thảm họa mà nhân loại phải ngăn chặn. Nhưng nếu mục tiêu chỉ dừng lại ở giảm thiểu thay vì loại bỏ lượng phát thải, chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Đích đến hợp lý nhất là con số 0.
Làm sao để nhân loại hành động hướng tới phát thải ròng bằng 0?
Vẫn còn những quốc gia nghĩ rằng "vặn vòi nước không phải việc của mình". Trong khi, người dân ở khắp nơi trên thế giới, cũng như tôi, đều muốn tiện nghi trong cuộc sống của mình ngày càng đầy đủ hơn. Mọi người đều muốn bật điều hòa vào mùa hè, bật máy nước nóng vào mùa đông, và không phải ai cũng quan tâm nguồn năng lượng mình dùng đến từ điện gió, điện mặt trời hay than.
Điều mang lại hy vọng cho nhân loại là cỗ xe kinh tế vẫn có thể vận hành bằng năng lượng sạch, dù rằng thay thế nhiên liệu trong lúc xe đang chạy không dễ dàng.
Nhìn trên toàn cầu, các quốc gia đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được thịnh vượng ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết đã có, đồng thời đề ra mục tiêu tham vọng hơn cho giai đoạn sau 2025. Tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris - Thỏa thuận đạt được tại COP21 cách đây 6 năm, với hơn 190 quốc gia cam kết hạn chế lượng phát thải của mình.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị rằng "phục hồi tự nhiên sẽ trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân".
Chính phủ của ông Boris Johnson, nước chủ nhà COP26, vừa đặt mục tiêu huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Hy vọng Việt Nam ngay sau Hội nghị sẽ có các hành động mạnh mẽ để tận dụng được nguồn tài trợ này.
Bước dưới cơn mưa lạnh giá ở Glasgow, tôi cũng tự hỏi, cam kết của mình là gì? Như nhiều người, với khả năng giới hạn của mình, tôi sẽ không trực tiếp thay đổi ngay được điều gì về công nghệ, chính sách hay tái cấu trúc thị trường ở tầm vĩ mô để đưa nhân loại bước tiếp trên con đường loại bỏ khí nhà kính vào năm 2050. Nhưng tôi có thể đứng vào hàng ngũ những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở khắp nơi trên thế giới - đội ngũ đang ngày càng đông đảo.
Sẽ không công bằng và không thể bắt buộc người nghèo dừng sử dụng xăng cho chiếc xe máy cũ giúp họ mưu sinh. Nghĩa vụ của mỗi người chúng ta với môi trường, nhất là những người đang ở nhóm thu nhập thấp, không phải là thôi nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình, mà là sống có lựa chọn. Không lấy thêm một túi nylon khi mua hàng, từ chối một ống hút nhựa, vặn vòi nước nhỏ lại, giảm điều hòa hay không bật điện bừa bãi, không lãng phí thức ăn... Lựa chọn làm khác đi thay vì thói quen cũ của mỗi người sẽ tác động đến môi trường và cả đến quyết sách của nhà nước, giúp chuyển cuộc sống từ "nâu" sang "xanh". Khi đó, ta mới thực sự góp một tay vào vặn cái vòi nước bồn tắm để cứu Trái đất.
Tôi chưa đổi chiếc ô tô chạy xăng của mình sang xe chạy điện ngay vì chưa đủ tiền, nhưng sẽ ưu tiên việc này khi có thể. Những quyết định khác trong cuộc sống của tôi cũng sẽ được cân nhắc với suy nghĩ về môi sinh. Không phải anh hùng, nhưng tôi muốn góp phần cứu Trái đất.
Võ Văn Thành