Các biểu đồ dưới đây cho thấy lộ trình phát thải đến năm 2030 của Liên minh châu Âu (EU) và 9 quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu khí hậu Climate Action Tracker (CAT). Cùng với nhau, các nền kinh tế này chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Đường màu đen phản ánh lịch sử phát thải từ nhiên liệu hóa thạch và hoạt động công nghiệp trong giai đoạn 1990 - 2020, trong khi các vùng/đường màu xám, vàng và xanh dự đoán lượng phát thải trong giai đoạn 2020 - 2030 lần lượt theo chính sách khí hậu hiện hành, cam kết của các quốc gia và mức cần thiết để đạt mục tiêu ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ là 4 nền kinh tế phát thải lớn nhất và được xem là chìa khóa để hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26, cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều "đưa ra những lời hứa mới" khi đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005. Trong khi chính quyền Biden cố gắng thông qua luật khí hậu quan trọng, EU đang xem xét một gói năng lượng sạch mới.
Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới, cho biết lượng phát thải của họ sẽ đạt đỉnh vào trước năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu sản xuất 25% năng lượng từ các "nguồn sạch" như gió, năng lượng mặt trời hoặc năng lượng hạt nhân vào thời điểm đó. Các nhà môi trường đã thúc giục Trung Quốc đặt ra mục tiêu ngắn hạn tham vọng hơn trước thềm COP26, nhưng quốc gia này - đang phải vật lộn để hạn chế sự phụ thuộc vào điện than - vẫn giữ nguyên mục tiêu so với những gì đã công bố một năm trước.
Về phần mình, Ấn Độ chưa ấn định thời điểm đạt đỉnh phát thải trong tương lai. Các quan chức nước này cho rằng đất nước của họ vẫn nghèo hơn các quốc gia phát thải lớn khác và cần thêm thời gian để phát triển kinh tế. Chính phủ Ấn Độ mong muốn nhận được hỗ trợ từ những nước giàu hơn để đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và làm chậm mức trưởng trong tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Một số quốc gia như Nga và Iran lại có cam kết phát thải vào năm 2030 cao hơn nhiều so với mức dự kiến theo chính sách khí hậu hiện hành. Iran là một trong số ít các nước chưa phê chuẩn Hiệp định Paris 2015 và có rất ít chính sách về biến đổi khí hậu.
Canada và Nhật Bản gần đây đã đặt ra các mục tiêu phát thải vào năm 2030 nghiêm ngặt hơn trong thời gian chuẩn bị diễn ra COP26. Chưa có quốc gia nào đưa ra chính sách năng lượng cụ thể để đạt được những mục tiêu đó, mặc dù chính phủ Canada đang xem xét áp đặt một mức thuế carbon lớn để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Một số quốc gia, đặc biệt là Brazil và Indonesia, không chỉ tạo ra khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch và hoạt động công nghiệp, mà còn phát thải một lượng lớn carbon dioxide mỗi năm từ việc đốt rừng và đất than bùn giàu carbon cho nông nghiệp. Cả hai gần đây đã đưa ra những cam kết mới về khí hậu, nhưng Climate Action Tracker đánh giá các chính sách của họ là chưa đủ để đạt được mục tiêu đề ra.
Ở Brazil, tỷ lệ phá rừng nhiệt đới giảm mạnh trong những năm 2000 nhưng đã tăng nhanh trở lại kể từ cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018. Tổng thống Jair Bolsonaro đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp trong thập kỷ này nhưng lời hứa của ông vấp phải sự hoài nghi của các nhà bảo vệ môi trường và người dân bản địa.
Indonesia cũng đã thực hiện nhiều hành động ngăn chặn nạn phá rừng nhiệt đới để trồng dầu cọ, nhưng các nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về sự hiệu quả của nỗ lực đó khi quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên chứng kiến cháy rừng lan rộng.
Tại hội nghị COP 26, các nhà ngoại giao sẽ cố gắng thảo luận để đưa ra giải pháp đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu, như cắt giảm sâu hơn lượng khí thải nhà kính, cung cấp viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển về năng lượng sạch, hay tăng cường chương trình bảo vệ rừng. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng nếu không hành động ngay lập tức, mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ sớm vượt ngưỡng 1,5°C.
Đoàn Dương (Theo NY Times)