"Khi thức dậy vào sáng 15/8, tôi hoàn toàn không có suy nghĩ rằng đây sẽ là ngày cuối cùng của mình ở Afghanistan", cựu tổng thống Ashraf Ghani hôm qua trò chuyện cùng cựu tư lệnh quân đội Anh Nick Carter trên đài BBC Radio 4, kể lại cuộc chạy trốn khỏi vòng vây của Taliban quanh thủ đô Kabul hồi tháng 8.
Ghani cho biết khi đó lực lượng Taliban đã tiến sát thủ đô Kabul, nhưng cam kết sẽ không tiến vào thành phố, nhưng tình hình nhanh chóng thay đổi chỉ sau hai tiếng. "Hai phe khác nhau của Taliban tiếp cận Kabul từ hai hướng, đặt ra nguy cơ xung đột nặng nề có thể khiến thành phố 5 triệu dân bị hủy hoại", ông nhớ lại.
Ghani đồng ý để những người thân cận rời Kabul, trong đó có vợ ông, dù bà tỏ ra rất lưỡng lự. Cố vấn an ninh quốc gia của Ghani cũng sơ tán, trong khi ông chờ ôtô đến trụ sở Bộ Quốc phòng Afghanistan để nắm tình hình.
Tuy nhiên, chiếc xe đó không bao giờ xuất hiện. Đúng lúc đó, cố vấn an ninh quốc gia của Ghani quay lại cùng chỉ huy lực lượng cận vệ tổng thống đang "sợ hãi", thuyết phục ông rời đi, nói rằng tất cả sẽ bị sát hại nếu ông quyết bám trụ thủ đô.
"Anh ta nói tôi có chưa đầy hai phút để rời đi. Trước đó, tôi yêu cầu chuẩn bị di chuyển đến thành phố Khost, nhưng anh ta nói rằng Khost và Jalalabad đều đã thất thủ. Tôi không biết tất cả sẽ đi về đâu. Chỉ đến khi trực thăng cất cánh, mọi chuyện mới rõ ràng là chúng tôi đang rời Afghanistan. Điều này thực sự đột ngột", Ghani cho hay.
Ghani hôm 18/8 xác nhận trực thăng chở ông đã hạ cánh tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), quốc gia cho phép ông và gia đình tị nạn trên cơ sở nhân đạo. Ghani khi đó nói rằng ông rời đi để ngăn chặn một "thảm họa lớn" cũng như nguy cơ hỗn loạn và đổ máu ở Afghanistan. Ông hiện nay vẫn ở UAE.
Tuy nhiên, cựu tổng thống Afghanistan bị nhiều người chỉ trích vì chạy trốn ra nước ngoài, trong đó cựu phó tổng thống Amrullah Saleh gọi đây là "hành động nhục nhã".
Nhiều người cho rằng việc Ghani đột ngột rời Afghanistan đã hủy hoại thỏa thuận bảo đảm chuyển giao quyền lực có trật tự với Taliban. Khoảng trống tạo ra bởi người từng thề "chiến đấu đến chết" đã làm trầm trọng tình trạng rối loạn khi Taliban bao vây Kabul.
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, Ghani bác bỏ cáo buộc ôm lượng lớn tiền bỏ trốn, khẳng định ông sẵn sàng chấp nhận một cuộc điều tra quốc tế để "bảo vệ thanh danh". "Tôi muốn nhấn mạnh rằng mình không mang một đồng tiền nào khỏi đất nước. Mọi người đều biết phong cách sống của tôi. Tôi biết làm gì với tiền đây", ông nói.
Ghani thừa nhận đã có nhiều quyết định sai lầm, trong đó có "tin rằng sự kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế sẽ kéo dài mãi", nhưng cũng cho rằng thỏa thuận giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và Taliban hồi năm 2020 đã dẫn tới sự kiện ngày 15/8. "Thay vì quá trình hòa bình, chúng tôi lại nhận được quá trình rút quân. Cách thực thi thỏa thuận này đã xóa sổ chúng tôi".
Theo điều khoản thỏa thuận, Mỹ và đồng minh đồng ý cắt giảm lực lượng, trao đổi tù nhân với Taliban, đổi lại nhóm này sẽ đối thoại với chính quyền Afghanistan.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không mang lại kết quả. Tổng thống Joe Biden giữa năm nay tuyên bố sẽ rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, trong khi Taliban liên tục đà tiến như chẻ tre và chiếm các thành phố trên khắp lãnh thổ. "Những gì xảy ra là một cuộc đảo chính bạo lực, không phải thỏa thuận hay quy trình chính trị mà các bên tham gia", Ghani nói.
Ba tháng sau khi rời bỏ đất nước, Ghani cho biết ông sẵn sàng nhận trách nhiệm vì một số hành động khiến Kabul thất thủ, như đã "quá tin các đối tác quốc tế", nhưng vẫn khẳng định ông cũng là nạn nhân.
"Thành quả cả đời của tôi đã bị phá hủy. Các giá trị của tôi bị giẫm đạp, còn tôi bị biến thành con dê tế thần", cựu tổng thống Afghanistan cho hay.
Vũ Anh (Theo BBC)