Lý Xuân Hải cho rằng mình không cố ý làm trái, hậu quả không xảy ra và không phải là chủ thể của tội danh. “Mong sự cảm thông của HĐXX về những gì đã xảy ra và xin gửi đến HĐXX những khẩn cầu”, bị cáo Hải trình bày. Cho rằng là người có công dừng việc làm sai tại ACB và tránh tổn thất cho ngân hàng, bị cáo cũng mong HĐXX xem xét tình tiết này.
Ông Hải trình bày được sinh trong gia đình trí thức và có nền tảng tốt nên trong tiềm thức của bị cáo không cố ý. Về mặt tâm linh bị cáo cũng không bao giờ làm điều có hại cho đất nước. “Mong dành cho tôi một cơ hội để sớm về chăm lo cho vợ con và người cha già. Nếu có bất cứ phán quyết nào, tôi cũng không oán giận”, ông Hải nói trong lời cuối trước tòa.
Còn bị cáo Nguyễn Đức Kiên đọc nội dung đã chuẩn bị trước ra giấy khi nói lời sau cùng trước lúc tòa nghị án. Bị cáo trùng giọng cám ơn các vị thẩm phán đã quan tâm, hỏi thăm sức khoẻ trong suốt phiên xử và mong được HĐXX thông cảm nếu có lời lẽ và thái độ "ngoài ý muốn". Cựu phó chủ tịch ACB cho hay mong muốn tiếp tục được thực hiện những hoài bão còn đang dang dở. “Tôi không phải là sân sau của bất kỳ ai, tôi chỉ làm ăn và đam mê bóng đá”, bị cáo Kiên nói và tiếp tục cho rằng không phạm 4 tội với mức án 30 năm tù như quy kết của tòa sơ thẩm.
Các bị cáo khác nguyên là cựu chủ tịch HĐQT và phó tổng giám đốc ACB Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn đều mong đợi "phán quyết thấu tình, đạt lý". Họ đề nghị được HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu có thể thì cho xin hưởng án treo.
Trước đó vào buổi sáng, trong phần tranh tụng với công tố viên, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng bị cáo Lý Xuân Hải không phải chủ thể của tội cố ý làm trái vì cựu tổng giám đốc ACB không phải là người có chức vụ quyền hạn và không có quyền lực công. ACB là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn tư nhân.
Đáp lại ý kiến này, VKS cho rằng trong phần luận tội không nêu ra pháp nhân là chủ thể tội phạm, đồng thời khẳng định, đến nay pháp luật Việt Nam vẫn không coi pháp nhân là chủ thể tội phạm. “Trong vụ án, những người có chức quyền trong pháp nhân đó phạm tội, chứ không phải pháp nhân”, đại diện VKS nói,
Theo công tố viên này, chủ thể có chức vụ quyền hạn, luật không quy định phân biệt phải làm trong cơ quan nhà nước.
Căn cứ Điều 277 Bộ luật Hình sự nêu ra khái niệm người phạm tội có chức vụ quyền hạn, công tố viên cho rằng, ACB thành lập theo quy định pháp luật. Bị cáo Hải được bầu theo đúng trình tự pháp luật và có các quyền hạn quy định trong luật. Vì thế bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, là chủ thể của tội phạm.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ cho bị cáo Kiên) đề nghị VKS trả lời việc "tại sao cứ áp đặt ACB có thiệt hại trong khi ACB không có thiệt hại? Nếu cho rằng bầu Kiên có quyền lực cao nhất tại ACB thì căn cứ vào đâu".
Đối đáp với luật sư, đại diện VKS cho hay ACB thực tế thiệt hại gần 719 tỷ đồng. Nhà băng này trước đó có rất nhiều đơn đến các cơ quan giúp đỡ thu hồi số tiền trên. "Đây là căn cứ chứng minh thêm về thiệt hại", công tố viên nói.
VKS một lần nữa khẳng định 5 công ty của bầu Kiên kinh doanh tài chính, cổ phần trái phép. Hoạt động góp vốn là ngành phải đăng ký kinh doanh.
Đại diện cơ quan công tố khẳng định, án sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên là không oan. 5 bị cáo còn lại cũng không oan.
Tuy nhiên, VKS thay đổi một số quan điểm so với bản luận tội 3 ngày trước đó, bao gồm xét lại số tiền Công ty B&B phải nộp thuế, từ trên 25 tỷ đồng theo án sơ thẩm xuống dưới 25 tỷ đồng; tiền phạt bị cáo Kiên còn dưới 75 tỷ đồng. VKS đề xuất giảm nhẹ cho bị cáo Tuấn nhưng không thể xét thành án treo.
14h ngày 15/12, HĐXX phúc thẩm sẽ ra phán quyết cuối cùng.
Việt Dũng