Chiều 3/12, phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm chuyển sang phần làm rõ hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo. HĐXX tập trung thẩm vấn về các sai phạm khi ACB đầu tư cổ phiếu.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 2/9/2009, thường trực HĐQT ACB thống nhất ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và uỷ quyền cho bầu Kiên chỉ đạo trực tiếp đầu tư. Bầu Kiên đã chỉ đạo hội đồng đầu tư công ty ACBS, trong đó có ông Lê Vũ Kỳ, thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ACB. Việc làm này, theo toà, là trái với quy định Điều 29 của Bộ Tài Chính, gây thiệt hại cho ACB gần 688 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, nguyên là các lãnh đạo ACB bị quy kết Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vì ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ACB trái quy định pháp luật. Tại toà phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận có tham gia cuộc họp bàn về chủ trương đầu tư cổ phiếu nhưng không xác định rõ là đầu tư cổ phiếu nào. Việc thực hiện cụ thể là do bầu Kiên làm.
Các bị cáo cũng thừa nhận cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư qua ACBS, biết việc công ty “con” này ký hợp đồng hợp tác ACI và ACI Hà Nội (do ông Kiên thành lập). Họ cũng thừa nhận nếu ACBS trực tiếp mua cổ phiếu ACB là trái luật, sai.
Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng việc ACBS hợp tác để ACI mua cổ phiếu là không sai bởi ACBS không sở hữu cổ phiếu của ACB mà chỉ hưởng quyền lợi, lợi nhuận, lỗ lãi từ việc đầu tư. ACI mới là chủ sở hữu và thực hiện mọi quyền của chủ sở hữu.
Ông Kỳ, nguyên tổng giám đốc ACBS trình bày, việc đầu tư là không sai nhưng ACI không góp vốn, nên có thể bị hiểu lầm công ty con mua cổ phiếu của công ty “mẹ”. Khi kiểm toán yêu cầu tất toán, ACI đã phải phát hành trái phiếu, tài sản thế chấp là cổ phiếu của ACB, để lấy tiền trả lại ACBS. Quá trình phát hành trái phiếu và trả nợ gốc và lãi sau này đã phát sinh nhiều giao dịch khác. Cuối cùng, phần lớn cổ phiếu ACB đã mua từ việc hợp tác đầu tư trên đã bị HDBank bán để thu hồi nợ.
Ông Quang khai, tại cuộc họp ngày 2/11/2009 đã bàn về mua cổ phiếu hàng loạt các ngân hàng, trong đó nói đến cổ phiếu ACB có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, chỉ có một ý kiến đăng ký mua cổ phiếu quỹ của ACB, và cho rằng đây là một hoạt động hoàn toàn hợp pháp. Sau đó, các thành viên trong cuộc họp đã không bàn đến mua cổ phiếu này nữa. Theo lời ông Quang, ý kiến của các thành viên trong thường trực HĐQT ACB cần phải tìm người có uy tín nên đã giao cho bầu Kiên, khi ấy là chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB. Việc mua đã được quyết định ngay lập tức.
Lúc đầu ông Cang nói không nhớ có tham gia cuộc họp đó hay không và cho rằng coi đó như là cuộc họp giao ban. Sau đó ông Cang khai có tham gia, đồng thời cho biết trong cuộc họp bàn nhiều vấn đề, trong đó có nói về đầu tư cổ phiếu.
“Có một lúc nào đó, gần cuối cuộc họp, bầu Kiên cho biết nhiều cổ phiếu xuống giá, tại sao không mua để đầu cơ, khi thị trường phất lên mình bán kiếm lời”, ông Cang nói. Cuộc họp đã thống nhất, cấp hạn mức 700 tỷ đầu tư cổ phiếu tốt, thanh khoản cao.
Trong phần thẩm vấn, HĐXX dành nhiều thời gian để hỏi cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải. Trước những lời khai của đồng nghiệp cũ tại ACB, ông Hải cho rằng “cơ bản là đúng nhưng chi tiết thì chưa chính xác”. Theo lời khai của ông Hải, khi phiên họp chính thức, có bàn về nhiều vấn đề. Gần cuối cuộc họp, bầu Kiên đứng lên đưa ra một số đề nghị, cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để đầu tư vào cổ phiếu.
Ông Hải nói lý do việc cấp hạn mức đầu tư 700 tỷ đồng giao cho ACBS thực hiện. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định không biết về việc mua cổ phiếu ACB. "Khi cuộc họp có ý kiến bàn về mua cổ phiếu quỹ nhưng tôi đã không đồng ý. Mong HĐXX làm rõ ai mua cổ phiếu ACB”, ông Hải đề nghị.
Khi triển khai nghị quyết của lãnh đạo ACB, ông Hải cho hay hoàn toàn không biết ACBS đầu tư cổ phiếu ACB. Khoảng 6 tháng sau đó khi làm việc với công ty kiểm toán PWC ông mới biết. "Lúc đó bị cáo biết ACBS đã tạm ứng một phần tiền cho ACI và ACI HN đầu tư vào cổ phiếu ACB. Tôi vô cùng ngạc nhiên, sửng sốt, hỏi ngay với kế toán trưởng ACB Nguyễn Văn Hoà và điện thoại cho ông Kỳ kiểm chứng”, ông Hải nói.
Nguyên tổng giám đốc ACB cũng cho rằng, việc hợp tác đầu tư này có thể hiểu ACBS đầu tư vào cổ phiếu ACB gây bất lợi cho ngân hàng. "Người ta sẽ bảo tại sao phải đầu tư vào chính ngân hàng của mình. Tiếp đó, bị cáo đã điện thoại cho các thành viên khác trong HĐQT, có cả ông Trần Xuân Giá, đồng thời đề nghị việc này phải chấm dứt, tại sao có nhiều cổ phiếu mà lại đầu tư vào ACB", ông Hải trình bày và cho biết đã yêu cầu ACBS chấm dứt, không chịu trách nhiệm và có cuộc tranh luận kịch liệt với bầu Kiên.
Được toà hỏi, đại diện công ty kiểm toán PWC cho biết, khi kiểm toán có phát hiện ACBS ký hợp đồng đầu tư không đúng nên đã gặp ông Hải để hỏi rõ, hiểu hơn về giao dịch này. “Ngạc nhiên là ông Hải không biết việc này và ông rất giận dữ khi biết giao dịch đó”, đại diện PWC nói.
Ngày mai phiên toà tiếp tục.
Việt Dũng