Edouard Philippe đã làm việc dưới quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ba năm qua với vai trò một thủ tướng trung thành và khiêm nhường. Nhưng mức độ nổi tiếng ngày càng tăng của ông trong nỗ lực ứng phó Covid-19 cùng việc ông từ chối gia nhập đảng cầm quyền đã khiến Philippe vấp ngã trên chính trường, giới chuyên gia nhận định.
Thủ tướng Philippe và nội các đệ đơn từ chức hôm 3/7, dọn đường để Tổng thống Macron thành lập chính phủ mới trong bối cảnh sự ủng hộ với Macron sụt giảm. Lý do Philippe từ chức không được đề cập trong thông báo ngắn từ chính phủ, nhưng việc cải tổ nội các đã được nhiều người dự đoán trước, sau khi Macron tuyên bố sẽ vạch ra một lộ trình mới cho hai năm nhiệm kỳ còn lại của mình.
Đắc cử tổng thống năm 2017, Macron lúc bấy giờ không ngần ngại ra quyết định đề bạt Philippe, khi ấy là thành viên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, từ vị trí thị trưởng thành phố cảng Le Havre, vùng Normandy, lên làm thủ tướng.
Philippe thừa nhận ông chỉ mới gặp Macron ba lần trước vòng bầu cử đầu tiên và đã vô cùng "lo lắng" trước khi trở thành chủ nhân Dinh thự Matignon, tức phủ thủ tướng Pháp.
Những tuần gần đây, tiếng nói và hình ảnh của Philippe đang có xu hướng mạnh mẽ hơn, tỏa sáng hơn so với Tổng thống Macron.
Philippe, chứ không phải Macron, là người dẫn dắt các nỗ lực ứng phó của chính phủ trước các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở Pháp hồi cuối năm 2019 đầu năm 2020, cũng như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 gần đây.
Trong khi Tổng thống Macron chỉ thỉnh thoảng đưa ra các tuyên bố công khai thông qua những bài phát biểu trên truyền hình, Philippe là người cập nhật thông tin thường xuyên về dịch bệnh cho người dân.
Nhờ vậy, tỷ lệ tín nhiệm của Philippe gần đây liên tục gia tăng trong các cuộc thăm dò dư luận, trong khi tỷ lệ tín nhiệm của Macron giảm mạnh. Điều này khiến không ít người hoài nghi rằng Tổng thống Pháp giờ đây không muốn giữ bên cạnh mình một thủ tướng có thể cướp đi ánh hào quang của ông.
Một cuộc thăm dò được công bố hồi tuần trước cho thấy 44% người được hỏi tín nhiệm Tổng thống Macron, nhưng 51% nói họ có cái nhìn tích cực với Thủ tướng Philippe, tăng 13% so với thời điểm Covid-19 mới bùng phát tại Pháp.
Phong cách của một nhà kỹ trị ở Philippe đã giúp ông giành được thêm nhiều thiện cảm của công chúng trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19 lên tới đỉnh điểm. Ông không nói những lời ngon ngọt để xoa dịu người nghe mà thường xuyên thể hiện giọng điệu cương nghị, điềm đạm.
Điểm mấu chốt trong những căng thẳng tồn tại giữa Macron và Philippe được cho là do Philippe từ chối trở thành một thành viên chủ chốt trong đảng Tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron.
Vài tuần qua, Philippe tham gia hai mặt trận chính trị cho tương lai của ông, với tư cách thủ tướng Pháp và cho vị trí thị trưởng Le Havre trong các cuộc bầu cử địa phương.
Philippe đã giành chiến thắng vang dội trên mặt trận Le Havre, giúp ông củng cố uy tín chính trị, nhưng mặt khác lại làm gia tăng hoài nghi rằng ông và Tổng thống Macron không còn có thể làm việc cùng nhau.
Đảng LREM đã không thể giành một chiến thắng áp đảo nào trong các cuộc bầu cử địa phương, khiến chiến thắng của Philippe với tư cách ứng viên độc lập càng rực rỡ hơn.
Điều này dường như có nghĩa là Philippe sẽ quay trở về với thành phố Le Havre thân thuộc, dù tham vọng trong dài hạn của ông hiện chưa rõ ràng.
Luôn giữ vẻ ngoài trầm tĩnh, Philippe còn là người thường xuyên luyện tập bộ môn quyền anh. Những người gần gũi với Philippe cho biết dù xuất hiện trước công chúng với hình ảnh nghiêm túc, điềm đạm, Philippe thực tế là người hài hước với tài năng bắt chước điệu bộ, phong thái của những chính trị gia cấp cao như cựu tổng thống Valery Giscard d'Estaing, Jacques Chirac hay Nicolas Sarkozy.
Vũ Hoàng (Theo AFP)