Sau gần 3 năm nhà chức trách điều tra vụ án, sáng 12/5, TAND Hà Nội mở phiên tòa trong 6 ngày, thẩm phán Đào Bá Sơn làm chủ tọa. 28 luật sư đăng ký bào chữa cho 14 bị cáo, trong đó cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường có 6 luật sư.
Ông Cường và 13 người bị truy tố ở 3 nhóm tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo triệu tập của tòa, đại diện Bộ Y tế, Cục quản lý Dược, Tổng cục Hải quan, Cục hải quan TP HCM, đại diện công ty VN Pharma có mặt. Đại diện công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C và một số trong 51 người làm chứng vắng mặt.
Khai báo đầu phiên tòa, cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cho hay, năm 2020, bị TAND Cấp cao tại TP HCM phạt 17 năm tù về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, song chưa đi thi hành án. Ngoài Hùng, 7 bị cáo khác cũng bị TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án vào năm 2020 và bị tuyên mức án 3-20 năm tù, đều liên quan vụ buôn bán thuốc trị ung thư giả, H-Capita 500 mg.
Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng Châu, cựu trưởng phòng đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Hội đồng giám định của Bộ Y tế và một số cá nhân liên quan quá trình giám định hồ sơ cấp phép 7 loại thuốc.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy, cựu phó trưởng Phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, đề nghị HĐXX di lý bị can Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng Y tế, vì cho rằng lời khai của ông Quang mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ.
Luật sư Chu Đức Hảo, luật sư của cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn Phạm Anh Kiệt, đề nghị triệu tập điều tra viên để đối chất làm rõ việc thân chủ liên tục kêu oan, "nói bị mớm cung trong quá trình điều tra".
Đại diện VKSND Hà Nội cho hay phiên tòa diễn ra nhiều ngày, HĐXX có thể triệu tập các cá nhân trên, nếu thấy cần thiết, trong các buổi xét xử sau. Sau hội ý 20 phút, HĐXX đồng ý với quan điểm này.
Phiên tòa tiếp tục làm việc với phần công bố cáo trạng.
VKSND Tối cao xác định, năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt Nam quốc tịch Canada) bàn với Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) làm giả hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để nhờ hai công ty đứng tên xin cấp số đăng ký.
Một số cán bộ Cục Quản lý Dược vì "thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân" đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Vì thế, 7 loại thuốc giả (Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin) mang nhãn mác Health 2000 Canada được cấp số đăng ký, nhà chức trách cáo buộc.
Từ đây, một số lượng lớn tân dược được buôn bán, nhập khẩu bằng nhiều hợp đồng và phụ lục, chứng từ giả.
Tại vụ án này, tổng lượng thuốc nhập 838.100 hộp, trị giá hơn 1,2 triệu USD, tương đương 26 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Số thuốc giả đã được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng, nhà chức trách cáo buộc.
Ông Trương Quốc Cường, khi đó là Cục trưởng Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thẩm định, bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao. Ông thiếu giám sát dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ, với trị giá hơn 148 tỷ đồng
Nhà chức trách cho rằng dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Điều này dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng Health 2000 Canada để điều trị, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Cơ quan công tố nhận định, ông Cường không thành khẩn song giai đoạn truy tố, ông thừa nhận đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của người đứng đầu Cục quản lý Dược "để cấp dưới có nhiều hành vi sai phạm ".
Với cáo buộc không đình chỉ lưu hành thuốc có thông tin nghi ngờ không rõ nguồn gốc, ông Cường nhận thức "năm 2014, chưa có đủ điều kiện để quyết định đình chỉ lưu hành". Giờ, ông nhận thấy hành vi này "chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao" và "ăn năn về hậu quả".
Khang được xác định trực tiếp thỏa thuận mua bán 6 thuốc giả qua 36 hợp đồng, tổng gần 1,6 triệu hộp, trị giá 4,6 triệu USD (tương đương 94,6 tỷ đồng). Song hiện Khang bỏ trốn, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý khi bắt được.
Ông Trương Quốc Cường, (cựu Thứ trưởng Y tế) cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP HCM) và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó phòng thuộc Cục Quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) cùng Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma), Phan Cẩm Loan (cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (cựu kế toán trưởng VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn), Phạm Quỳnh Trang (cựu nhân viên công ty H&C), Nguyễn Thị Quyết (cựu nhân viên VN Pharma) bị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Giai đoạn 1 của vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma đã được xét xử tại TAND TP HCM. Cường bị phạt 20 năm tù, Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc trị ung thư giả, H-Capita 500 mg.
Thanh Lam - Phạm Dự