Vũ Phương Thảo, 27 tuổi, cựu thủ khoa kép (thủ khoa cả đầu vào và đầu ra) Đại học Sư phạm TP HCM, là một trong 21 ứng viên giành học bổng thạc sĩ Fulbright năm nay và được bốn đại học Mỹ chấp nhận nhập học, gồm Đại học Columbia, Đại học New York, Đại học Syracuse, Đại học Georgia. Tháng 8 tới, cựu sinh viên Ngôn ngữ Anh sẽ sang Mỹ học ngành Instructional Design and Media (Thiết kế giảng dạy) tại Đại học Columbia (nhóm 8 trường Ivy League).
Thảo ước mơ du học từ thời đại học, từng tham gia nhiều chương trình trao đổi như Asia Youth Leader, ASEAN Youth Workshop on Social Entrepreneur tại Thái Lan và thực tập giảng dạy một tháng ở Đài Loan. Sau mỗi chuyến đi, chứng kiến các bạn nước ngoài năng nổ, tự tin thể hiện bản thân, Thảo càng mong có cơ hội bước ra thế giới.
Tốt nghiệp xuất sắc với GPA 3.64/4.0 năm 2017, Thảo tham gia Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP). Sau một năm làm trợ giảng tiếng Anh tại Hong Kong, cô sang Trung Quốc trao đổi theo chương trình trao đổi văn hóa tại Đại học Sư phạm Hồ Nam rồi về Việt Nam quản lý giáo viên, tổ chức đào tạo và thiết kế chương trình tại một startup về giáo dục. Tháng 12 năm ngoái, Thảo quyết định thử sức với Fulbright khi cảm thấy đã đủ độ chín và có nhiều trải nghiệm ở các công việc khác nhau.
Thảo từng có thời "săn học bổng" theo kiểu "rải đơn" để thử vận may nhưng đều thất bại do chưa thực sự rõ mình muốn gì. Lần này, cô nhìn lại những trải nghiệm, xem bản thân đang có câu hỏi, trăn trở gì và ngành học nào sẽ giúp giải quyết, trả lời câu hỏi đó. Cô dành thời gian hiểu về bản thân, bắt đầu bằng hai câu hỏi giúp định hướng và trình bày điều mình muốn làm một cách thuyết phục: Tại sao muốn học ngành thiết kế giảng dạy và tại sao chọn Mỹ?
"Tôi muốn học cách xây dựng các khóa học, mô hình phát triển kỹ năng hiệu quả, thú vị, dễ tiếp cận cho người trẻ, những người không có cơ hội được học thứ họ cần. Mỹ là nơi tập trung các tập đoàn công nghệ nổi tiếng, ngành giáo dục hàng đầu, vì thế tôi sẽ có nhiều cơ hội khi học ở đây", cô nói.
Cựu thủ khoa cho hay, trong các học bổng, bài luận luôn là thành phần quan trọng, giúp ban tuyển sinh hiểu được con người, hành trình và mục tiêu tương lai của ứng viên. Không giống các học bổng khác, Fulbright yêu cầu hai bài luận (Personal Statement - PS và Study Objectives - SO) và tối đa 1.000 chữ mỗi bài.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, lần này, cô thay đổi chiến thuật, dùng cách viết "Show, don’t tell" (Kể ít, tả nhiều). PS thiên về trình bày bản thân và thể hiện cá tính, do đó, thay vì dùng những cách diễn đạt chung chung như "tôi có đam mê về ngành học này", cô miêu tả những hành động cụ thể đã làm để cho thấy đam mê.
Thời sinh viên, cô điều hành câu lạc bộ tiếng Anh ở trường, với mục đích tạo ra nơi để mình và các bạn luyện tập kỹ năng tiếng Anh. Cô cũng tổ chức cuộc thi tiếng Anh có sự tham gia của sinh viên các trường khác, làm dự án nâng cao kỹ năng. Sau này sang Hong Kong làm việc, Thảo có dự án giúp học sinh Trung Quốc phát âm tiếng Anh tốt hơn.
Theo Thảo, học bổng Mỹ thường muốn ứng viên kể câu chuyện về mình, quá trình học tập thế nào và làm sao để bạn đạt được mục tiêu cho đến hiện tại. Cô đã kể chuyện về ba, vì không có điều kiện học tiếng Anh nên để vụt mất nhiều cơ hội trong công việc, thiệt thòi so với bạn bè. Câu chuyện đã theo Thảo nhiều năm sau này trong chặng đường học tập và trở thành động lực để cô phấn đấu.
"Sợi dây xuyên suốt những việc tôi làm là đam mê tạo ra một trải nghiệm học tốt hơn để ai cũng học được kỹ năng họ cần. Giống như tôi có tương lai tốt hơn vì được học tiếng Anh sớm hơn ba tôi", Thảo nói.
Trong khi đó, SO tập trung vào câu hỏi bạn sẽ làm gì trong hai năm học tới, nghiên cứu chủ đề nào và muốn tạo ra thay đổi hay đóng góp gì? SO quan trọng nhất là kế hoạch tương lai nên ứng viên cần có đề xuất thực tế cho thấy tính khả thi cao. Thảo tập trung vào chủ đề phát triển nhân lực thông qua việc tạo ra các khóa học kỹ năng hiệu quả hơn dựa vào số liệu nghiên cứu. Cô cũng nhờ những người trong và ngoài ngành giáo dục, nhân sự của công ty lớn đọc giúp để biết liệu những khóa học cô tạo ra có được đón nhận hay không.
"PS và SO là hai bài tách biệt, tuy nhiên cần có sự kết nối với nhau để tạo thành sự thống nhất", Thảo gợi ý.
Thời điểm chuẩn bị hồ sơ là lúc cô được công ty giao điều hành dự án đào tạo với một tập đoàn lớn. Bận rộn công việc, Thảo tranh thủ những lúc nghỉ trưa để ôn IELTS, thức đêm để viết luận.
"Tôi viết nháp đến 10 lần mới tạm hài lòng", Thảo kể.
Bên cạnh bài luận, cô cũng lưu ý ứng viên cần cho hội đồng tuyển sinh thấy giá trị độc đáo của mình. Thảo xem mỗi chi tiết trong bộ hộ sơ, từng câu trả lời trong buổi phỏng vấn là cơ hội để cô thể hiện bản thân.
Vì học về thiết kế trải nghiệm học, cô nhấn mạnh vào khả năng sáng tạo của mình. Đến phỏng vấn, Thảo kể cho mọi người rằng cô thích thơ và dùng thơ để học ngoại ngữ. Để tạo ấn tượng, Thảo đọc một bài thơ tiếng Anh tự sáng tác về khao khát giúp người trẻ vượt lên giới hạn của họ và có tương lai tốt đẹp hơn.
Bên cạnh những yếu tố liên quan đến việc học, cô cũng cho thấy các khía cạnh khác của bản thân và lồng ghép những điểm tốt của mình.
"Tôi nói với ban giám khảo rằng thử thách lớn nhất của tôi khi sang Mỹ là chịu lạnh kém. Nhưng tôi là người có khả năng thích ứng nhanh và kiên cường nên sẵn sàng chào đón các thách thức của cuộc sống mới", cô gái chia sẻ.
Theo Thảo, ứng viên nên tham gia nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên, vì với những học bổng chính phủ, kinh nghiệm nghiên cứu, khả năng học thuật là lợi thế. Ngoài ra, ứng viên cần xây dựng mối quan hệ tốt với thầy cô trong trường để thuận lợi hơn trong việc xin thư giới thiệu, đồng thời trải nghiệm mọi công việc để có kinh nghiệm và mở rộng tầm nhìn.
"Ứng tuyển học bổng giống như chọn người yêu. Khi bạn hiểu mình là ai và nắm rõ yêu cầu học bổng là gì, bạn sẽ thành công", Thảo nói.
Bình Minh