Ngày 11/8, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhân vào viện hôn mê, tím tái, co gồng từng cơn. Bác sĩ chẩn đoán ngạt nước, phù phổi cấp, thiếu oxy não, viêm phổi hít.
Kíp điều trị cho thở máy, chống co giật, chống phù não, cho kháng sinh điều trị viêm phổi hít... Sau gần một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân mới cải thiện, hết gồng giật, cai được máy thở.
"Trường hợp này may mắn được cứu hộ viên phát hiện sớm và cấp cứu hồi sức tim phổi kịp thời, phối hợp kíp 115 tích cực hồi sức, tiêm adrenalin trước khi nhập viện", bác sĩ đánh giá.
Bác sĩ lưu ý khi trẻ đi bơi cần có người lớn theo để quan sát, kịp thời báo cứu hộ viên hỗ trợ khi trẻ bị chìm dưới nước. Phụ huynh cho trẻ học bơi, biết cấp cứu ngưng thở ngưng tim tại hiện trường khi trẻ bị ngạt nước bằng cách ấn tim (ấn ngực ½ dưới của xương ức), hà hơi thổi ngạt khi trẻ có biểu hiện tím tái ngưng thở.
"Lưu ý không xốc nước, lăn lu, ấn bụng... làm mất thời gian vàng cứu trẻ", bác sĩ nói, thêm rằng những biện pháp này đều không có tác dụng mà còn trì hoãn quá trình cấp cứu ngưng thở ngưng tim, dẫn đến tử vong, hoặc cứu sống được trẻ nhưng để lại di chứng não nặng nề.
Hồi tháng 6, hai bé gái rơi xuống bể bơi trong lúc vui chơi tại căn hộ ở khu nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh, khiến một trẻ tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm đuối nước cướp đi sinh mạng hơn 3.000 thanh thiếu niên, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 16 tuổi. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Lê Phương