Sáng 5/6, đại diện Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết hai bé là chị em ruột, cùng gia đình đi nghỉ dưỡng tại một căn hộ ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Trong lúc bố mẹ không chú ý, các em bị rơi xuống bể bơi nằm trong căn hộ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy, sau đó chuyển Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Bé gái 4 tuổi bị tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng. Trẻ tử vong sáng ngày 4/6. Còn bé 7 tuổi bị suy đa cơ quan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm phổi. Hiện, trẻ được điều trị lọc máu, thở máy, tiên lượng nặng.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Bác sĩ khuyến cáo mùa hè là thời điểm gia tăng cao tai nạn đuối nước, do đó cha mẹ không nên để trẻ chơi hoặc bơi một mình. Khi tắm ở hồ bơi, biển, phụ huynh phải mặc áo phao cho trẻ, luôn quan sát, theo dõi con trong suốt quá trình vui chơi.
Nếu chẳng may xảy ra đuối nước, tuyệt đối không được dốc ngược người trẻ lên vai rồi chạy mà không ép tim và hô hấp nhân tạo. Điều này sẽ kéo dài thời gian thiếu oxy não, gây di chứng sau này.
Ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng vì nguyên nhân gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa khoảng 4-5 phút, nếu quá giới hạn này, sẽ dẫn đến tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Nếu trẻ không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức, sau đó chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.
Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.
Thùy An