Ngày 26/6, thạc sĩ, bác sĩ Trương Phan Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, trực tiếp phẫu thuật cấp cứu, cho biết: Khi vào viện, thai phụ rên la, đau bụng nhiều từng cơn liên tục nên không khai thác được mang thai lần mấy, thai bao nhiêu tuần, không có giấy tờ khám thai... Chân em bé đã thò ra khỏi cổ tử cung mẹ, bụng co cứng liên tục tim thai chậm.
Tình huống "nghìn cân treo sợi tóc", thời gian được tính bằng phút, bác sĩ đỡ lấy chân thai nhi và nhanh chóng chuyển sản phụ vào phòng mổ cấp cứu.
"Thai nhi ngôi mông không hoàn toàn, kiểu sa chân như thế này có thể làm tăng nguy cơ bị sa dây rốn, gây áp lực lên rốn và hạn chế lượng máu đến thai", bác sĩ Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, nếu không khám được rõ tư thế của thai trong tử cung và không ước lượng được cân nặng của thai nhi thì khả năng bé bị kẹt đầu hậu khi sinh đường âm đạo có thể xảy ra. Như vậy, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ suy thai cấp, bé ngạt thở, thậm chí tử vong.
May mắn, ca phẫu thuật được tiến hành nhanh chóng, một bé gái nặng 2,1 kg chào đời bình an, khóc to, sinh hiệu ổn.
Sau khi tỉnh, mẹ bé chia sẻ bắt đầu đau bụng râm ran từ buổi trưa nhưng không bận tâm vì thai chưa tới ngày sinh, đang ở tuần 36. Sau đó, khi cơn đau dữ dội hơn, chị cùng chồng mới vội vàng vào bệnh viện.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Thu Hiền khuyến cáo thai phụ phải đi khám thai định kỳ để phòng ngừa các rủi ro khi sinh đối với thai ngôi mông, làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
"Dù trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng nếu có dấu hiệu bất thường, thai phụ cần lập tức đến bệnh viện ngay, bởi mang thai và sinh con là một quá trình vất vả, cực nhọc và ẩn chứa nhiều nguy cơ, đòi hỏi mẹ bầu phải thật cẩn thận", bác sĩ khuyên.
Lê Cầm