Khi mang thai được 15 tuần, chị Hoa bất ngờ phát hiện mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Từ đó, tháng nào chị cũng đi khám định kỳ hoặc điều trị nội trú tại khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Khi chỉ còn vài tuần nữa là đón con chào đời, chị phải nhập viện gấp vì tiểu cầu xuống rất thấp, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe hai mẹ con.
Lần này chị nhập viện, nỗi lo càng lớn hơn khi dịch bệnh rình rập, cơ sở y tế thiếu máu, thiếu tiểu cầu. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, chị đối mặt với nhiều nguy cơ xuất huyết, thậm chí có thể không giữ được thai nhi.
Giống chị Hoa, chị Thủy ở Hà Nội đang mang thai ở tuần 36 cũng mong ngóng máu truyền từng ngày. Giữa tháng 5, chị đi khám thai định kỳ thì được bác sĩ thông báo bị thiếu máu nặng và phải chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chị cần truyền máu gấp vì thiếu máu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé.
Chị Thủy còn bị nhau tiền đạo, dự kiến sẽ sinh mổ vào tuần thai thứ 36. Con sẽ phải sinh sớm khi chưa đủ ngày, đủ tháng, giờ lại bị thiếu máu khiến lòng chị bất an. Nằm trên giường bệnh, chị chỉ mong sao được truyền đủ máu để nuôi dưỡng con, để con được ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày ấy.
"Tôi mong sao những người có sức khỏe tham gia hiến máu để giúp đỡ người bệnh như chúng tôi", chị Thủy nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, hiện bệnh viện cố gắng hết sức để sản phụ được ưu tiên truyền tiểu cầu gấp. Nhưng với tình trạng hiện tại, nếu sinh thường, thai phụ sẽ gặp nguy hiểm. Trong phương án sinh mổ, thai phụ cần truyền rất nhiều tiểu cầu để nâng chỉ số xét nghiệm lên mức an toàn hơn, đề phòng nguy cơ chảy máu cả trước, trong và sau khi sinh mổ.
"Không chỉ gia đình người bệnh mà cả y bác sĩ đều hết sức lo lắng trước tình hình nguồn máu phục vụ điều trị khan hiếm như hiện nay", bác sĩ Thảo nói.
Sự bùng phát trở lại của Covid-19 trong tháng 5 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên toàn quốc. Chỉ tính riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, từ 27/4 đến 11/5, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch.
Trong hoàn cảnh nguồn máu phục vụ điều trị ngày càng sụt giảm, các ca cấp cứu, các thai phụ đang trong tình thế cấp bách cần được ưu tiên cung cấp máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên, việc đảm bảo cung cấp chế phẩm máu với số lượng lớn cho những thai phụ có nguy cơ xuất huyết cao như chị Hoa và nhiều ca bệnh nặng khác là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Trong khi đó, vẫn còn hàng ngàn người bệnh thiếu máu mãn tính, thiếu máu nhẹ buộc phải trì hoãn truyền chế phẩm máu. Nhiều ca phẫu thuật phải tạm dừng. Nhưng việc trì hoãn cũng không thể kéo dài vì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cho người bệnh.
Các bác sĩ kêu gọi người dân tham gia hiến máu, song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Lê Nga - Trương Hằng