Tối 8/6, một người bị điện giật chết tại Bình Chánh. Đội cấp cứu bất lực chứng kiến người ra đi. Đây là ca điện giật tử vong thứ 5 kể từ tháng năm đến nay, thứ 13 trong hơn 5 tháng qua.
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận ngoại viện 17 ca bị điện giật, chỉ cứu được 4 nạn nhân. Theo thống kê của Trung tâm, riêng số ca điện giật thương vong trong 5 tháng đầu năm tại TP HCM đã bằng cả năm 2018 và nhiều hơn năm 2019 một vụ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết: "Từ đầu tháng 5 đến nay, số nạn nhân bị điện giật tăng bất ngờ, tỷ lệ tử vong cực kỳ cao là thực tế rất đáng buồn".
Nguyên nhân, bác sĩ Long cho rằng có thể do miền Nam đã vào mùa mưa (tháng 5-10). Hoạt động gia cố nhà cửa, sửa chữa đảm bảo an toàn điện của người dân diễn ra nhiều hơn. Thời gian này, độ ẩm không khí cao, nguy cơ phóng điện, rò rỉ điện gây giật, cũng tăng lên.
Bác sĩ Long cảnh báo người dân cẩn trọng khi sử dụng cũng như sửa chữa điện. Bản thân người sửa chữa điện nên chủ động trang bị kỹ năng, bảo hộ theo khuyến cáo của ngành điện lực, tránh hậu quả đáng tiếc.
"Xử trí khi bị điện giật là một trong những kỹ năng quan trọng để sơ cứu nạn nhân bị điện giật. Nhiều trường hợp đã chết oan uổng do những người xung quanh ứng cứu không đúng cách", bác sĩ Long nói.
Khi gặp sự cố, việc đầu tiên là người có mặt tại hiện trường cần ngắt nguồn điện và để nạn nhân nằm yên. Sau đó nhanh chóng gọi ngay đến đường dây nóng 115 để được hỗ trợ xử trí tại chỗ và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
"Người dân không nên tự ý sơ cứu bằng các phương pháp dân gian như dội nước hay vội vàng di chuyển nạn nhân", bác sĩ Long đặc biệt lưu ý.
Mối nguy hiểm của giật điện quyết định bởi mức điện thế của dòng điện, dòng điện xoay chiều hay một chiều. Điện dân dụng ở Việt Nam hiện nay sử dụng điện áp 220V. Dòng điện chạy qua người gây ra các tác động trực tiếp lên thần kinh và các hệ, bộ phận trong cơ thể. Thông thường nạn nhân sẽ bị co rút cơ bắp, tê liệt thần kinh, gặp khó khăn trong tuần hoàn, hô hấp.
Các tổn thương do điện giật rất đa dạng. Nạn nhân có thể bỏng da bề mặt nhẹ, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng đa tạng nặng, tổn thương thần kinh trung ương và ngoại biên. Nạn nhân thậm chí tử vong tại chỗ.
Nạn nhân điện giật mới nhất là người đàn ông 34 tuổi, tối 8/6 đang sửa chữa đường điện tại nhà thì bị điện giật, dính chặt vào cánh cửa sắt. Người nhà không gọi cấp cứu ngay, mà tự sơ cấp cứu bằng cách đổ bia, xoa bóp, sau đó tự di chuyển nạn nhân ra đường. Nạn nhân thiệt mạng.
Ngày 1/6, một người đàn ông để người khác ngồi trên vai sửa điện thiết bị điện hư hỏng trong nhà. Dây dẫn nứt hở gây rò rỉ điện, người phía trên bị giật bắn ra xa, chấn thương nhẹ; người đứng phía dưới ngã bất tỉnh. Người dân xung quanh kịp thời ngắt nguồn điện và gọi cấp cứu hỗ trợ. Theo hướng dẫn của tổng đài 115, người thân nhồi tim hô hấp nhân tạo xử trí ban đầu cho nạn nhân. Khi kíp Cấp cứu 115 có mặt, nạn nhân đã trong tình trạng ngưng tim ngưng thở.
Nhóm y bác sĩ thay nhau bóp bóng giúp thở, ép tim ngoài lồng ngực, truyền dịch, truyền thuốc. Hơn một giờ sau, nạn nhân thở lại yếu ớt, mạch đập 95 nhịp một phút. Đây là trường hợp may mắn, nạn nhân được cứu sống, nhưng những di chứng còn rất khó lường.
Thư Anh