Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trẻ vào viện ngày 11/12/2013 với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi thông thường. Tuy nhiên, bệnh trẻ ngày một nặng hơn, đến ngày thứ 10 phải thở máy dù bé vẫn tỉnh, tự thở, ôxy cho vào tốt nhưng không hấp thu được.
“Kết quả chụp cắt lớp độ phân giải cao cho thấy hai bên phổi xơ hóa rất nhiều, xơ các phế nang. Ôxy vào nhưng không ngấm vào máu, rất nguy hiểm. Chúng tôi xác định trẻ bị bệnh phổi kẽ nên thay đổi chiến lược điều trị cũng như làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác”, tiến sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ, ngoài các cách điều trị cũ, biện pháp mới áp dụng là dùng kháng sinh có hoạt chất là Klacide, dùng liều thấp kéo dài để tăng cường miễn dịch của trẻ, từ đó giải quyết vấn đề phổi. Dự kiến phải hàng tháng thuốc mới có tác dụng, vì thế điều quan trọng là phải giữ trẻ sống. Bên cạnh đó, việc thở máy cho trẻ cũng rất khó khăn vì thường trẻ chỉ được cho thở máy khi yếu, không tự thở, trường hợp bé này lại ngược lại. Trẻ ăn hoàn toàn qua xông.
“Bệnh tình của trẻ rất nặng, chúng tôi thậm chí phải nói trước với gia đình để chuẩn bị tâm lý. Rất may là sau hơn 1 tháng, trẻ đã qua cơn nguy kịch, rút được máy thở. Đây là trường hợp cứu sống rất khó khăn”, tiến sĩ Dũng nói.
Trường hợp bé Duy Minh có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như: đẻ non 33 tuần; suy giảm yếu tố miễn dịch trong máu, kháng thể dịch thể trong máu giảm nhiều so với trẻ khác; bị nhiễm virus CMV - nhiễm từ trong bụng mẹ. Hiện bé đã được xuất viện và sẽ được theo dõi tiếp cho đến khi 9 tháng hoặc 1 tuổi.
Cũng theo ông, phổi kẽ là bệnh hiếm gặp. Thống kê tại Anh trên quần thể trẻ dưới 16 tuổi cho thấy tỷ lệ mắc chỉ là 3 trên 1 triệu. Trong 30 năm làm nghề bác sĩ đây là lần thứ 2 ông gặp bệnh nhi mắc phải bệnh này, chưa kể còn rất nhỏ (ca trước đó là trẻ trên 6 tuổi, chỉ bị khó thở, chậm lớn).
Nam Phương