Chị Nhật Bi, mẹ của bé Lộc kể, khoảng 10 ngày nay cháu có biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc. Khi các triệu chứng ngày càng nặng, gia đình đưa bé đến bệnh viện gần nhà điều trị nhưng không khỏi. Sau đó bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu.
Trực tiếp điều trị ca này là bác sĩ Nguyễn Trần Nam, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bác sĩ cho biết bé Lộc bị bệnh tay chân miệng cấp độ 4 (nặng nhất) với biểu hiện sốt cao, tay chân lạnh, phù phổi, suy hô hấp tuần hoàn, bất tỉnh. Các bác sĩ đã cấp cứu, cho bệnh nhi thở oxy, lọc máu liên tục, truyền thuốc, hỗ trợ tim mạch...
Sau gần một tuần điều trị, đến nay bé Tấn Lộc đã tỉnh táo, cai máy thở, ngưng lọc máu, sức khỏe dần bình phục và tiến triển rất tốt. Bệnh nhi được giữ lại bệnh viện thêm vài ngày để tiếp tục theo dõi tầm soát các di chứng và điều trị hỗ trợ. Sau đó bé sẽ được xuất viện.
Theo bác sĩ Nam, bệnh tay chân miệng từ giữa tháng 9 có xu hướng tăng, đặc biệt hơn một tuần nay số lượng bệnh nhi nhập viện tăng đột biến. Số liệu của Sở Y tế thành phố, tính từ đầu năm đến nay TP HCM có gần 7.000 ca mắc được ghi nhận.
Tay chân miệng là bệnh do virus đường ruột Enterovirus 71 (EV71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu theo đường tiêu hóa từ người sang người, đến nay chưa có văcxin ngừa hay thuốc đặc trị, chỉ có thể phòng tránh.
Biểu hiện khi trẻ mắc bệnh: Ban đầu sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, biếng ăn. Trong miệng có thể xuất hiện những vết loét đỏ, hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh nhân có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu thấy trẻ có các triệu chứng nặng như sốt hơn 39 độ C, bứt rứt, ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình chới với giơ tay lên. Phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện theo dõi ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh, cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Thường xuyên lau sạch đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà. Chất thải phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh chơi với các em khác.
Thi Ngoan