Trần Thị Phương Anh, 23 tuổi, là cựu sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương. Đầu tháng 3, cô nhận kết quả trúng tuyển ngành Giao thông, Cơ sở hạ tầng và Logistics, Đại học Công nghệ Delft (TU Delft) với học bổng toàn phần, trị giá hơn 72.000 euro (gần hai tỷ đồng).
Trong hai năm học thạc sĩ, Phương Anh được miễn học phí và nhận hỗ trợ hơn 14.600 euro mỗi năm để chi trả sinh hoạt phí. Theo bảng xếp hạng QS, Đại học Công nghệ Delf là trường tốt nhất Hà Lan, đứng thứ 47 thế giới. Mỗi năm, một khoa của trường chỉ cấp 1-2 suất học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế.
"Mình mở email lúc 3h sáng rồi thức luôn vì kết quả này, cảm giác lâng lâng, sung sướng", Phương Anh nhớ lại.
Cô gái 23 tuổi mơ ước du học từ hồi cấp hai. Khi đó, được nghe mọi người nhắc về những anh, chị được đi nước ngoài với học bổng toàn phần, cô lần đầu biết có thể đi nước ngoài mà không mất tiền.
Ước mơ này được Phương Anh ấp ủ trong thời gian dài, nhưng cô chưa xác định được mình sẽ du học ngành gì. Cho đến khi trở thành sinh viên Ngoại thương, Phương Anh nhận ra mình luôn hào hứng với những tiết học Logistics (dịch vụ trao đổi, vận chuyển hàng hóa), thích tìm hiểu và đọc thêm tài liệu về lĩnh vực này. Đây cũng là lý do trong suốt bốn năm, cô tham gia hàng loạt hoạt động ngoại khóa, cuộc thi xoay quanh Logistics.
Thành tích Phương Anh tâm đắc nhất là giải khuyến khích nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề tài về các nhân tố tác động đến việc tham gia dịch vụ crowd logistics của tài xế công nghệ. Lần đầu làm nghiên cứu cùng ba bạn khác, Phương Anh hào hứng, dù gặp nhiều khó khăn từ lúc chọn đề tài tới quá trình thu thập số liệu.
"Bọn mình chỉ nghĩ trong 6 tháng mà hoàn thành, nộp được nghiên cứu là thành công rồi, không ngờ được giải nhất của trường, sau đó giành giải cấp Bộ nữa", cô nói.
Phương Anh sau đó chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp là nghiên cứu về chuỗi cung ứng nông sản. Sau khi được điểm A, nằm trong nhóm 2% khóa luận điểm cao nhất khoa, nghiên cứu của Phương Anh được đăng trên tạp chí khoa học của trường.
Từ giữa năm 2023, Phương Anh bắt đầu làm hồ sơ du học thạc sĩ. Cô chọn Hà Lan là điểm đến, vì đây là đất nước có cảng biển lớn, mạnh về Logistics, trong đó Đại học Công nghệ Delft là ưu tiên hàng đầu. Phương Anh cho biết không chỉ vì Delft là đại học top 1 Hà Lan, các tiêu chí của trường cũng phù hợp với cô, chẳng hạn không yêu cầu điểm GMAT (bài thi chuẩn hóa thường dùng để xét tuyển đầu vào sau đại học ở châu Âu và Mỹ), lại có học bổng toàn phần.
Ban đầu, Phương Anh không có ý tưởng gì về bài luận. Có những ngày, cô ngồi hàng giờ ngoài quán cà phê, nhưng không viết được chữ nào. Trong bản nháp đầu tiên, cô đơn thuần liệt kê kinh nghiệm học tập, ngoại khóa mà chưa liên kết được chúng với nhau. Sau góp ý của người cố vấn, cô biết cách chắt lọc các chi tiết từ trải nghiệm của mình, hoàn thiện sau khoảng chục lần chỉnh sửa.
Phương Anh kể về lúc nhỏ, mỗi lần đi chợ hay siêu thị, cô luôn tò mò vì sao những sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài lại có thể tới được nơi cô sinh sống. Khi lớn lên, Phương Anh nhận ra Logistics là câu trả lời cho thắc mắc này. Bài luận của Phương Anh viết về hành trình cô tìm ra niềm yêu thích, những trải nghiệm đã có và mong muốn mở rộng kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thế giới trong lĩnh vực.
Ngoài ra, cô phải hoàn thành đơn xin học bổng, trong đó yêu cầu ứng viên trả lời về mục tiêu, định hướng bản thân; xin thư giới thiệu và các chứng chỉ, giấy tờ liên quan. Vì đã đi làm nên Phương Anh chỉ có buổi tối và cuối tuần dành cho việc này. Những ngày nước rút cuối tháng 11/2023, Phương Anh chỉ ngủ 2-3 tiếng một ngày.
Là cố vấn của Phương Anh, chị Nguyễn Minh Hòa, cựu sinh viên Ngoại thương, học viên thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Delft, đánh giá hồ sơ của Phương Anh mạnh về học thuật. Điểm học tập (GPA) của cô đạt 3.9/4, thuộc top 1% cao nhất khóa. Nghiên cứu khoa học và đề tài khóa luận tốt nghiệp cùng liên quan Logistics, có hướng phát triển thống nhất, thuận lợi để ứng viên tìm ra chủ đề làm nổi bật hồ sơ.
Phương Anh cũng nhìn nhận đây là yếu tố quan trọng trong hồ sơ của mình. Theo cô, mọi cuộc thi, hoạt động trong trường đại học đều thể hiện rằng cô yêu thích Logistics và xác định theo đuổi ngành này một cách nghiêm túc.
Điểm còn hạn chế, theo Phương Anh là thiếu các hoạt động, chứng chỉ có yếu tố quốc tế liên quan đến Logistics, tính lãnh đạo trong các hoạt động cũng chưa mạnh.
"Trong ba tháng chờ kết quả, mình hồi hộp và từng nghĩ có thể trượt vì những thiếu sót này. Vì vậy khi nhận kết quả, niềm vui nhân lên rất nhiều lần. Thành quả này cũng có phần may mắn", Phương Anh nói.
Phương Anh sẽ bắt đầu chương trình thạc sĩ vào tháng 9. Từ giờ tới lúc đó, cô muốn trau dồi ngoại ngữ, tranh thủ tích lũy kinh nghiệm làm việc, kiến thức để bắt nhịp việc học tốt hơn.
Điều khiến Phương Anh tự hào nhất trong hành trình chinh phục học bổng là bản thân đã không bỏ cuộc. Hơn 10 năm, kể từ khi có suy nghĩ về du học, dù có lúc mất niềm tin, cô cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ.
"Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân tài giỏi, nhưng mình có sự kiên trì và cần cù. Cùng với niềm yêu thích việc học, hy vọng những điều này sẽ giúp mình gặp nhiều thuận lợi trong hành trình mới", Phương Anh nói.
Thanh Hằng