Ngày 12/6, các công tố viên quận Suwon, Hàn Quốc truy tố một cựu giám đốc điều hành Samsung cùng 6 đồng phạm với cáo buộc ăn cắp bản thiết kế nhà máy và công nghệ bán dẫn của hãng giai đoạn 2018-2019. Do đang trong quá trình điều tra, người này không được nêu tên, chỉ được mô tả hiện 65 tuổi, từng giữ chức phó chủ tịch SK Hynix, một nhà sản xuất bán dẫn lớn khác của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của WSJ, người này có tên Choi, chuyên gia tiếng tăm về chip và nhiều lần được vinh danh. Nhưng Choi ôm tham vọng lớn. Ông bí mật thỏa thuận với một công ty Đài Loan để nhận khoản đầu tư 8 nghìn tỷ won (6,2 tỷ USD) nhằm xây một nhà máy Tây An, Trung Quốc. Ông thuê hơn 200 nhân viên SK Hynix và Samsung lấy cắp bí mật thương mại với lời hứa lương cao và mức đãi ngộ lớn trong tương lai. Dù vậy, kế hoạch đổ bể vào phút chót do đối tác Đài Loan không thực hiện cam kết.
Sự nghiệp lẫy lừng
Choi là giám đốc ở lĩnh vực bán dẫn nổi tiếng của Hàn Quốc. Thế hệ của ông đã giúp các công ty trong nước vốn chỉ gia công máy tính trở thành doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Ông làm việc tại Samsung và SK Hynix - hai nhà sản xuất chip lớn nhất nước này - trong suốt 28 năm và đều từng giữ vai trò giám đốc điều hành.
Tại Samsung, Choi đạt nhiều thành tựu, trong đó có giải thưởng cho công trình sản xuất chất bán dẫn thế hệ tương lai. Ông rời công ty năm 2001. Ông cũng là một trong những người đóng góp vào sự phát triển của SK Hynix. Với vốn kiến thức chuyên môn của mình, ông giúp công ty thoát khỏi khó khăn tài chính đầu những năm 2000. Ông dành thời gian quản lý nhà máy SK Hynix tại Vô Tích, Trung Quốc và từng cạnh tranh vị trí điều hành. Năm 2009, ông đã được chính phủ Hàn Quốc trao huân chương vì những sáng kiến trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất chip.
Năm 2010, ông rời SK Hynix, làm việc cho một số công ty bán dẫn khác. Một trong những công ty ông thành lập là Jin Semiconductor, chuyên tư vấn công nghệ chip có trụ sở tại Singapore. Công ty này ra đời 2015 và Choi đảm nhận vị trí CEO.
Tham vọng bán dẫn tại Trung Quốc
Theo cáo trạng từ công tố viên Hàn Quốc, một công ty có trụ sở tại Singapore đã được thành lập với vốn đầu tư từ một công ty Đài Loan, với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Tây An. Nhà đầu tư khi đó được xác định là Foxconn.
Năm 2019, các công tố viên Hàn Quốc nhận được tin từ Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc về hoạt động kinh doanh của Choi. Tuy nhiên, việc điều tra bị tạm dừng do Choi đã cư trú rất lâu tại Trung Quốc. Khi ông đến Hàn Quốc đầu năm nay, quá trình điều tra được kích hoạt trở lại. Cuối tháng 5, người này bị bắt và bị truy tố đầu tuần này.
Choi được cho là rất hứng thú với mảng bán dẫn Trung Quốc. Năm 2018, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nước này, ông cho biết thứ mà Trung Quốc thiếu ở lĩnh vực chip là công nghệ chứ không phải vốn. "Các công ty Hàn Quốc đang có quy mô lớn hơn và khả năng công nghệ tổng thể mạnh hơn. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh hơn", ông nói trước báo giới khi đó.
Một năm sau, Choi thành lập công ty chip tại Trung Quốc tên là Zhenxin Beijing Semiconductor. Thời gian đó, Zhenxin Beijing Semiconductor cũng đã nộp hàng trăm hồ sơ xin cấp bằng sáng chế liên quan đến sản xuất chất bán dẫn lên Viện Vi điện tử của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Năm ngoái, ông được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn tại một công ty bán dẫn có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng như làm giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Khoa học Trung Quốc.
Ngoài Zhenxin Beijing Semiconductor, Choi còn thành lập một công ty khác là Chengdu Gaozhen Technology. Theo các công tố viên, đây là "công ty liên doanh với thành phố Thành Đô của Trung Quốc". Liên doanh được các nhà đầu tư và truyền thông Trung Quốc mô tả là "đại diện cho quyết tâm của quốc gia nhằm đạt sự tự chủ trong sản xuất chất bán dẫn". Công ty này hoàn thiện trung tâm R&D về bán dẫn năm 2020 và đã sản xuất thử nghiệm đầu năm nay.
Zhenxin Beijing Semiconductor, Chengdu Gaozhen Technology và Viện Vi điện tử từ chối hoặc chưa đưa ra bình luận.
"Đặc biệt nghiêm trọng"
Rò rỉ công nghệ ra nước ngoài đang trở thành mối lo ngại ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc. Đầu tháng này, một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất nước này đã yêu cầu Tòa án tối cao tăng hình phạt liên quan đến rò rỉ công nghệ, ít nhất là ba năm tù hoặc phạt tiền từ 1,5 tỷ won (1,2 triệu USD).
Thực tế, luật pháp Hàn Quốc sẽ giảm án cho người phạm tội lần đầu hoặc thành khẩn khai báo cùng một số yếu tố khác. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã đề xuất bổ sung hình phạt khắc nghiệt hơn đối với hành vi rò rỉ công nghệ.
Cựu công tố viên Hàn Quốc Cho Kyu-woong cho rằng vụ của Choi "bất thường và nghiêm trọng hơn nhiều" so với các vụ trước đây, đặc biệt khi liên quan đến các bản thiết kế cho toàn bộ nhà máy bán dẫn. "Thứ bị đánh cắp có quy mô lớn tới mức có thể giúp thành lập ngay một công ty mới", Kyu-woong, người hiện là chuyên gia tại công ty tư vấn về sở hữu trí tuệ Yoon & Yang, đánh giá.
Emily Weinstein, một nhà nghiên cứu của Center for Security & Emerging Technology tại Washington, cho rằng trường hợp của Choi gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc công nghệ Hàn Quốc có thể bị đưa vào Trung Quốc trái phép. "Khi công nghệ càng khó bị đánh cắp hoặc mua lại, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi nỗ lực thu hút nhân tài tới đây bằng nhiều cách", bà Weinstein nói.
Bảo Lâm (theo WSJ)