Bị cáo Nga là lãnh đạo duy nhất của AIC có mặt tại phiên xét xử. Còn cựu chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số cán bộ chủ chốt khác của doanh nghiệp này đã bỏ trốn. Bà Nga bị VKS đề nghị 8-9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều 27/12, tự bào chữa tại TAND Hà Nội, bị cáo Nga cho rằng thời gian đầu có quan hệ thân thiết với bà Nhàn, sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn nên mở công ty riêng.
"Chị Nhàn nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện được nên tôi và các đồng nghiệp khác rất thiệt thòi. Hơn nữa, AIC có nhiều việc làm mạo hiểm nên tôi quyết định đi con đường riêng", bị cáo Nga khai.
Sau khi rời AIC, bà Nga sáng lập NSJ Group, hoạt động trong lĩnh vực gần như AIC là cung cấp thiết bị y tế, thiết bị giáo dục,... cho nhiều tỉnh thành. Với cương vị Chủ tịch NSJ, Nga đang bị điều tra trong ba vụ án khác, cũng liên quan đến sai phạm đấu thầu.
Bà Nga cho hay, thời điểm thực hiện đấu thầu dự án Bệnh viện Đồng Nai, mình chỉ là trưởng ban, làm việc theo giấy ủy quyền. Mỗi người trong công ty thực hiện các khâu khác nhau nên không thể quy kết bà chỉ đạo cấp dưới làm trái pháp luật.
Bà Nga không xin giảm nhẹ hình phạt cho mình nhưng đề nghị tòa giảm nhẹ cho những người từng là cấp dưới.
Bào chữa cho bà Nga, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng đây là vụ án hình sự về kinh tế rất phức tạp, các sai phạm xảy ra đã hơn 10 năm nhưng thời gian giải quyết "lại quá gấp", từ lúc khởi tố đến xét xử chỉ 6 tháng nên "nhiều tình tiết chưa được làm rõ".
Theo luật sư, cần làm rõ bản chất về mối quan hệ của bà Nga với nhóm quan chức Đồng Nai. Trong các lần gặp gỡ, bà Nga chỉ tham gia cùng bà Nhàn để giới thiệu sản phẩm, công nghệ. Đây là việc làm bình thường của doanh nhân, không bị pháp luật nghiêm cấm.
Trước việc bà Nga khai "không được phép liên hệ, tiếp xúc trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh khi không có bà Nhàn", luật sư cho rằng VKS cáo buộc Nga nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để đặt vấn đề giúp đỡ AIC trúng thầu là "chưa đủ cơ sở".
Bào chữa bổ sung cho bà Nga sau đó, luật sư Bùi Phương Lan đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết "phạm tội có tổ chức" với thân chủ vì không có căn cứ xác định đã bàn bạc, thoả thuận với các bị cáo khác. Khi đấu thầu, mỗi bị cáo thực hiện một khâu.
Về trách nhiệm dân sự, bà Nga cùng Phó tổng AIC Trần Mạnh Hà bị VKS đề nghị khắc phục 1/3 thiệt hại trong vụ án. Tuy nhiên, luật sư Lan cho rằng bà Nga chỉ là người làm công ăn lương, phụ thuộc vào mệnh lệnh của cấp trên và không được hưởng lợi ích vật chất.
Luật sư đề nghị cho bị cáo đang bỏ trốn hưởng án treo
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), luật sư Nguyễn Văn Tú nói đây là vụ án đồng phạm, số lượng doanh nghiệp "quân xanh" trong đấu thầu lên tới 8 và Thành An chỉ là một trong số đó.
Theo luật sư, ông Thuyết chỉ đại diện cho Công ty Thành An Hà Nội ký hồ sơ dự thầu cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Công ty được hưởng lợi gần 2 tỷ đồng trên tổng thiệt hại 152 tỷ đồng bị quy kết của vụ án. "Sự hưởng lợi với tỷ lệ thấp, chứng minh vai trò của bị cáo là thứ yếu trong vụ án".
Ngoài ra, trong 8 bị cáo không có mặt tại phiên tòa, bị cáo Thuyết là người duy nhất tự viết tay bản tường trình gửi từ Mỹ về tòa án, nêu nội dung vụ án và hành vi cá nhân. Luật sư Tú do đó đề nghị HĐXX tuyên thân chủ 2 năm tù và cho hưởng án treo, thấp hơn án đề nghị của VKS (3-4 năm tù).
Bào chữa cho một trong 8 bị cáo bỏ trốn, luật sư của Ngô Thế Vinh (cựu giám đốc Công ty Việt Tiên) cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý và thực tế để xác định thân chủ bỏ trốn và không hợp tác với cảnh sát.
Ông Vinh có quốc tịch Việt Nam và Mỹ nên cư trú ở cả hai quốc gia. Từ tháng 8, vì lý do bất khả kháng là mắc bệnh hiểm nghèo và chăm con nhỏ bị tự kỷ nên ông Vinh buộc phải ở lại Mỹ, theo luật sư.
Ông Vinh đã ủy quyền cho một phó giám đốc xử lý các công việc, trong đó có việc liên quan vụ án. "Bởi thế, cơ quan điều tra đáng lẽ chưa nên kết luận sự vắng mặt của ông Vinh tại Việt Nam là bỏ trốn. Gia đình có nguyện vọng xin được gỡ lệnh truy nã", luật sư trình bày.
Theo luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Bích Thủy (cựu Giám đốc Công ty TNT), thời điểm năm 2012-2013, AIC là doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (Dự án). TNT và các doanh nghiệp khác muốn bán thiết bị y tế vào dự án phải tham gia đấu thầu "theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC".
Luật sư bào chữa rằng với cơ chế này bị cáo Thủy phải chấp nhận làm "quân xanh", "quân đỏ" cho Công ty AIC để bán được hàng. Mọi việc do AIC sắp xếp.
Gói thầu cung cấp, lắp đặt Hệ thống khí y tế do TNT thực hiện có yêu cầu kỹ thuật phức tạp đòi hỏi nhà thầu phải đáp ứng cả năng lực về thiết bị và thi công. Thời điểm năm 2013, TNT là một trong số ít doanh nghiệp đáp ứng về việc cung cấp thiết bị theo tiêu chuẩn của các nước G7, đủ năng lực thi công các gói thầu phức tạp trong thời gian dài. Đến nay, máy móc hoạt động tốt, hiện đại bậc nhất nước.
Do đó, TNT chỉ đơn thuần "thực hiện công việc trong hợp đồng" không phải là "Công ty AIC giao cho Công ty TNT thi công". Công ty TNT cũng không nằm trong "hệ sinh thái" với Công ty AIC, luật sư trình bày.
Tại vụ án này có 36 bị cáo này, bị cáo Thuyết, Vinh, Thủy đều bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên toà đang tiếp tục phần tranh tụng.
Phạm Dự - Thanh Lam