Richard Dearlove, người đứng đầu Cục tình báo mật nước Anh (MI6) từ năm 1999 tới 2004, cho hay đã xem một báo cáo khoa học "quan trọng" cho thấy có thể nCoV không xuất phát từ tự nhiên mà được các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra. Phát hiện này làm tăng khả năng Trung Quốc phải "bồi thường" cho những người đã chết do Covid-19 và thảm họa kinh tế xảy ra trên thế giới, cựu giám đốc tính báo nói.
Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, phải giải thích chính xác nCoV bắt đầu lây lan từ cuối năm ngoái như thế nào.
Dearlove, 75 tuổi, đã dẫn báo cáo công bố trong tuần này của nhóm nghiên cứu người Anh và Na Uy. Nhóm nghiên cứu cho hay đã phát hiện manh mối cho thấy các yếu tố quan trọng đã được "chèn" vào trình tự gene của nCoV và có thể virus đã không tiến hóa tự nhiên.
Dearlove nghi ngờ khi ngay từ đầu chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát mọi cuộc tranh luận về nguồn gốc nCoV cũng như cách Bắc Kinh xử lý khủng hoảng.
"Tôi thực sự cho rằng đây là một tai nạn ngoài ý muốn", Dearlove bày tỏ. "Nó đặt ra vấn đề liệu Trung Quốc có muốn nhận trách nhiệm và bồi thường không? Tôi cho rằng phát hiện này sẽ khiến mọi quốc gia trên thế giới xem lại cách xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và cách cộng đồng quốc tế cư xử với giới lãnh đạo Trung Quốc".
Trong báo cáo khoa học do Giáo sư Angus Dalgleish, bệnh viện St George's, Đại học London và nhà virus học người Na Uy Birger Sorensen thực hiện, họ cho biết xác định được "các phần bị chèn vào trên bề mặt gai Sars-CoV-2", giải thích cách thức virus bám vào tế bào cơ thể người.
"Gai của Sars-CoV-2 khác với bất kỳ virus SARS nào mà chúng tôi từng nghiên cứu", trích báo cáo.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo những nỗ lực phát triển vaccine hiện tại sẽ thất bại do hiểu sai cơ chế gây bệnh của virus. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đang tự phát triển vaccine do Immunor AS sản xuất. Đây là công ty dược Na Uy do Sorensen đứng đầu.
Dearlove đã gọi nghiên cứu là "một đóng góp quan trọng trong cuộc tranh luận virus phát triển như thế nào, làm thế nào mà nó bùng phát thành đại dịch".
Nghiên cứu từng bị nhiều tạp chí từ chối công bố. Nó cũng được viết lại nhiều lần để xóa bỏ những cáo buộc với Trung Quốc trước khi được công bố trên Tạp chí Khám phá Sinh học theo Quý, tạp chí do các nhà khoa học hàng đầu của đại học Stanford và đại học Dundee chủ trì. Đồng tác giả ban đầu của báo cáo là John Fredrik Moxnes, cố vấn khoa học cho quân đội Na Uy, đã yêu cầu xóa tên ông.
Giáo sư Dalgleish và đồng nghiệp sẽ công bố thêm phân tích mới trong thời gian tới, khẳng định nCoV có "dấu hiệu đặc biệt" chứng tỏ "thích nghi tốt với sự tồn tại của con người", không thể tiến hóa tự nhiên và bị "thao túng có chủ đích". Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm được nơi công bố báo cáo này.
Cuộc tranh luận về nguồn gốc nCoV đang diễn ra khắp thế giới. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gọi nCoV là "virus Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố có "bằng chứng" cho thấy nCoV lọt từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ lại đồng ý với "nhiều kết luận khoa học rằng nCoV không phải do con người tạo ra hoặc biến đổi gene", khẳng định cộng đồng tình báo sẽ tiếp tục "xem xét kỹ lưỡng" khả năng nCoV thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng tuyên bố chính phủ Anh chưa thấy bằng chứng nào chứng minh nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.
Đa số các nghiên cứu khoa học về nCoV đều cho rằng virus có nguồn gốc từ dơi, cấu trúc di truyền cho thấy nó đã tiến hóa từ tự nhiên sang một động vật trung gian trước khi lây sang người.
Giả thuyết được đa số các nhà khoa học đồng tình là virus có nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán. Phân tích gần đây về 41 bệnh nhân nCoV đầu tiên cho thấy 27 người có liên hệ với chợ này, tuy bệnh nhân đầu tiên lại không.
Trong khi đó, hai phòng thí nghiệm là Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán và Viện virus học Vũ Hán, đều xem xét các loại virus ở dơi và đưa ra suy đoán nCoV có thể khởi nguồn từ chợ động vật hải sản, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Sau khi đại dịch SARS xảy ra, các nhà khoa học Trung Quốc đã dành nhiều năm tìm kiếm ở các hang động xa xôi để nghiên cứu virus corona ở dơi, nhằm chuẩn bị tốt hơn nếu đại dịch mới xảy ra.
Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 6,5 triệu người nhiễm và hơn 386.000 người chết.
Hồng Hạnh (Theo Telegraph)