Nguyễn Minh Đức, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) với điểm học tập (GPA) 3.92/4. Với số điểm này, Đức còn đứng đầu trong hơn 700 tân kỹ sư, cử nhân của trường tốt nghiệp đợt tháng 7.
Đức là cựu học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Không có thành tích nổi trội trong suốt ba năm cấp ba, Đức quyết định chuyển hướng ở bậc đại học bởi cũng thích làm việc với máy tính và tìm hiểu công nghệ.
Ban đầu, Đức gặp không ít khó khăn khi hầu hết bạn bè học chuyên Tin và Toán, giỏi lập trình từ cấp 3.
"Các bạn code rất nhanh, làm được 10 bài thì mình mới được 2-3 bài. Mình thực sự có phần đuối hơn các bạn", Đức nhớ lại. "Đây là áp lực, cũng là động lực với mình. Chỉ có cố gắng mới bù lại được".
Ngoài học ở trường, hàng ngày Đức dành khoảng 4 tiếng buổi tối để tự học. Sau khi làm hết bài tập của thầy cô, Đức tìm thêm tài liệu và luyện đề những năm trước. Nam sinh luôn áp dụng một quy trình khi giải bài: tự suy nghĩ, tìm hiểu trên mạng, hỏi bạn bè và thầy cô.
Đức cho biết thường làm được bài ở 1-2 bước đầu. Với những bài khó, Đức phải dùng đến hai bước sau.
"Có khi tối gửi email, sáng hôm sau, thầy cô đã phản hồi. Vì vậy, việc học không bị gián đoạn lâu vì bài tập khó", Đức kể.
Hết năm thứ hai, nam sinh tham gia nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm tương tác người máy (HMI Lab) dưới sự hướng dẫn của TS Tạ Việt Cường. Với Đức, đây mới là thời gian nhiều áp lực nhất trong 4 năm đại học.
"Mình bắt đầu từ việc đọc báo, tài liệu thầy gửi. Việc này không dễ dàng bởi có những thuật ngữ khá lạ, nhiều định nghĩa và vấn đề mà mình chưa học bao giờ. Mất khoảng một kỳ, mình mới có thể quen", Đức cho hay.
Sang năm thứ ba, Đức đã có bài báo trình bày tại hội nghị quốc tế Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống (KSE) 2023 tổ chức tại Hà Nội. Đức là tác giả đầu của bài báo này, nghiên cứu liên quan mảng học biểu diễn trên đồ thị, thuộc lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.
"Đó là lần đầu mình thuyết trình tiếng Anh tại một hội nghị quốc tế với đông đảo người tham gia", Đức nói. Dù có IELTS 7.0 trước khi vào đại học, việc trình bày báo cáo khoa học bằng tiếng Anh, theo nam sinh là không đơn giản. Đức phải nhiều lần tập nói trước gương cho trôi chảy, sau đó lại thuyết trình trước thầy và bạn bè để nhận góp ý.
Thầy Tạ Việt Cường, giảng viên hướng dẫn Đức nghiên cứu khoa học, đánh giá Đức là một trong những sinh viên xuất sắc nhất mà thầy từng làm việc cùng ở trường.
"Nhóm nghiên cứu của Đức gồm 5 sinh viên. Đức thường chủ động đứng ra nhận các vấn đề khó và hầu hết đưa ra lời giải xuất sắc, thể hiện tính sáng tạo cao", thầy Cường nói. Giảng viên này cũng ấn tượng với Đức vì cậu luôn khiêm tốn trước các kết quả đạt được.
Ngoài bài báo trình bày tại hội nghị KSE, thầy Cường cho biết khóa luận tốt nghiệp của Đức được đánh giá xuất sắc với điểm 9,7/10. Đức đã gửi bài báo đến một tạp chí nhóm Q1 (top tạp chí uy tín nhất) trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo/Khoa học dữ liệu và đang đợi phản hồi.
Đức cho biết sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Nam sinh đã đăng ký ứng tuyển vị trí giảng viên tạo nguồn của trường. Thầy Cường nhìn nhận Đức có năng lực học thuật tốt với nền tảng lý thuyết và lập trình vững - những điều kiện tiên quyết để theo đuổi quá trình nghiên cứu.
"Những thành tích hiện tại của Đức chỉ là bước đầu. Em ấy rất có triển vọng trở thành một trong các nhà khoa học xuất sắc về Trí tuệ nhân tạo trong những năm tới", thầy Cường nói.
Đức cũng hy vọng thời gian học thạc sĩ, làm trợ giảng tại trường sẽ có thêm công bố khoa học. Nếu có cơ hội, Đức sẽ du học ở bậc cao hơn.