Bộ Ngoại giao Nepal hôm 4/5 thông báo chính phủ nước này đã đề nghị các quốc gia liên quan rút đội "phản ứng ban đầu" về do vấn đề cần tập trung lúc này là cứu trợ hơn cứu nạn.
Các đội cứu hộ từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh và Hà Lan đã bắt đầu rời đi. "Những người phản ứng ban đầu, người đang đào bới trong đống đổ nát, người có dịch vụ y tế giờ có thể bắt đầu rời đi", NDTV dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết.
"Họ có thể rời đi. Nếu cũng là chuyên gia dọn dẹp đổ nát thì họ có thể ở lại", Reuters dẫn lời Rameshwor Dangal, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Nepal, nói. Nepal trước đó cũng cho biết hy vọng tìm thấy người sống sót dưới đống đổ nát không còn.
Kể từ khi trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra ngày 25/4, hơn 4.000 nhân viên cứu hộ từ 34 quốc gia đã bay sang Nepal để hỗ trợ hoạt động cứu hộ, chăm sóc y tế khẩn cấp, phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước hỗ trợ nhiều nhân lực nhất cho Nepal. Theo đó, Ấn Độ phái 16 đội, mỗi đội gần 50 người, còn Trung Quốc điều gần 400 quân nhân. Động thái của Bộ Ngoại giao Nepal làm xuất hiện đồn đoán cho rằng Kathmandu không hài lòng với New Dehli nhưng nó nhanh chóng bị bác bỏ.
"Nepal không hề tức giận Ấn Độ. Xin hãy nghĩ tích cực", Deep Upadhyay, đại sứ Nepal tại Ấn Độ, nói.
"Nepal hiện cần thiết bị có thể dọn dẹp đống đổ nát và đã đề nghị Ấn Độ giúp đỡ. Một nhóm kỹ sư quân đội sẽ được điều động", Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Trong khi đó, Nepal và vài cơ quan quốc tế đang tranh cãi về cách xử lý hàng cứu trợ tới nước này sau thảm họa động đất. Hai bên cáo buộc nhau gây hỗn loạn và chậm trễ trong việc hỗ trợ các nạn nhân.
Do thất vọng bởi sự thiếu hợp tác, một số nhà hảo tâm đang "tránh né" nhà chức trách và gửi hàng cứu trợ trực tiếp cho những tổ chức phi chính phủ để phân phát, một nữ trợ lý của Thủ tướng Nepal Sushil Koirala nói. "Có sự khác biệt giữa chính phủ và các nhà hảo tâm về vấn đề này".
Chính phủ Nepal hôm qua thông báo đã có 7.566 người chết và hơn 14.500 người bị thương trong trận động đất. Thời tiết xấu đang cản trở quá trình tiếp cận Langtang, một ngôi làng hẻo lánh ở Nepal, nơi hàng chục dân làng cùng người leo núi được cho là bị chôn vùi trong đợt lở tuyết xảy ra sau động đất.
Nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết chỉ còn 60 công dân thuộc khối 28 nước này đang mất tích, giảm đáng kể so với con số 1.000 người mà một quan chức EU cấp cao ước tính tuần trước. Con số "đang giảm theo từng giờ" do các đội cứu hộ tiếp cận nhiều khu vực hẻo lánh, nguồn tin nói.
Như Tâm