Chiều 30/10, sau hai ngày xét xử, VKSND tỉnh Long An giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Lê Thanh Liêm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo VKS, bị cáo là Giám đốc Sở Y tế từ năm 2007 đến 2017, biết rõ các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu nhưng đã chủ quan, không chỉ đạo khảo sát giá tài sản của Nhà nước đúng theo giá thị trường, bỏ mặc ngân sách bị lãng phí, gây thiệt hại 900 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, năm 2014, Sở Y tế tỉnh Long An được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư công trình tòa nhà 4 cơ quan: Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm mỹ phẩm, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm giám định pháp y, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Công ty Đông Nam Á (trụ sở ở TP Tân An) sau đó đề xuất gói thầu, lắp đặt thiết bị điện tử cho công trình này và trúng thầu với giá hơn 1,9 tỷ đồng, ký hợp đồng thi công với Sở Y tế trong 60 ngày.
Trong thời gian thi công, ông Liêm biết rõ các thiết bị của hệ thống camera giám sát an ninh đã bị nhà thầu thay đổi xuất xứ, model từ Nhật Bản sang Malaysia, Trung Quốc; từ xuất xứ Mỹ sang xuất xứ Thái Lan... nhưng không chỉ đạo tham khảo lại giá.
Cựu giám đốc Sở Y tế cũng bị cho là không phê duyệt điều chỉnh dự toán để làm cơ sở điều chỉnh lại giá trị hợp đồng đã ký hết, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa các thủ tục, giấy tờ theo yêu cầu của kế toán, bảo đảm hồ sơ quyết toán trả tiền cho nhà thầu. Nhà thầu tiếp tục cung cấp báo giá thiết bị đã được thay đổi xuất xứ, model giá tương đương với giá thiết bị hợp đồng ban đầu.
Do không xem xét, điều chỉnh lại đơn giá thiết bị nên chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế thi công, khiến ngân sách bị thất thoát.
"Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự xem thường pháp luật, gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước nên cần áp dụng hình phạt thật nghiêm", đại diện VKS nhận định, trước khi đưa ra mức án đề nghị TAND tỉnh Long An áp dụng.
Tranh luận với VKS, ông Liêm và 4 luật sư đều cho rằng bị cáo không phạm tội. Một số thiết bị nhà thầu buộc phải thay đổi xuất xứ là bất khả kháng vì model đó không còn sản xuất tại Nhật, Sony đã chuyển nhà máy sang nước khác. Họ cũng cho là cơ quan điều tra đã "hình sự hóa vụ việc dân sự, kinh tế" vì không có việc thất thoát xảy ra trong gói thầu. Bởi theo luật, phải đợi đến khi dự án được quyết toán mới có thể xác định thừa thiếu ra sao. Nếu chủ đầu tư thanh toán thừa thì nhà thầu sẽ trả lại.
Quan điểm này của ông Liêm, cũng như yêu cầu HĐXX triệu tập thêm một số người có liên quan để đối chất, bị bác bỏ.
Ngày 3/11 toà tuyên án.
Cuối năm 2017 ông Liêm nhận quyết định nghỉ hưu, sau đó bị khởi tố, cho tại ngoại. VKS từng 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Giữa tháng 5/2019, ông được tạm đình chỉ điều tra, do cần xác định giá của hệ thống camera đã lắp đặt. Hai tháng sau, công an phục hồi điều tra vụ án.
Cuối năm ngoái, nhà thầu đã nộp lại hơn 700 triệu đồng, chuyển hoàn vào tài sản Nhà nước, đồng thời tự nguyện nộp hơn 140 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Ngày 2/1, ông Liêm bị VKS truy tố. Tháng 8, vụ án được đưa ra xét xử nhưng phải hoãn do vắng mặt những người có quyền, nghĩa vụ liên quan cùng nhân chứng... Giữa tháng 10, vụ án tiếp tục hoãn lần hai với lý do tương tự.
Tại phiên xử lần này, dù những người trên tiếp tục vắng mặt, toà vẫn xét xử bởi cho rằng hồ sơ vụ án đã có lời khai đầy đủ của họ tại cơ quan điều tra.
Hoàng Nam