Nhận thông tin qua đường dây nóng, 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng tại buồng cấp cứu Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhanh chóng chuẩn bị giường, máy thở, thiết lập đường truyền thuốc, sẵn sàng tiếp nhận F0 nguy kịch.
Bệnh nhân nữ, 62 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, đã tiêm một mũi vaccine. Đến Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, bà tiếp tục thở oxy mask 15 lít /phút - mức cao nhất. Hình ảnh chụp CT cho thấy tổn thương phổi 42/72 điểm, gần như trắng xóa tất cả vùng phía sau, đông đặc toàn bộ hai phế trường, nồng độ oxy máu (SpO2) tụt rất thấp.
"Bệnh nhân dù đã được tiêm vaccine nhưng tổn thương vẫn nặng nề, tiên lượng nguy kịch", bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên cho biết, ngày 27/11. Sau một giờ vào viện, bệnh tình của bà ổn định nhưng vẫn nghiêm trọng, được đưa qua luồng đỏ vào khu hồi sức tích cực (ICU).
Bên ngoài, thỉnh thoảng, tiếng còi xe cứu thương lại vang trước sảnh bệnh viện - đưa thêm F0 nặng từ nơi khác đến, chuyển vào khu ICU để các bác sĩ tiếp tục hành trình giành lại sự sống cho người bệnh.
Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội (có quy mô lớn nhất miền Bắc) hoạt động sau một tháng xây dựng. Nơi này cùng các bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đống Đa... thuộc tầng 3 trong tháp điều trị tại Hà Nội - tuyến cuối, chủ yếu tiếp nhận F0 nặng, nguy kịch, thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống, lọc máu, ECMO. Hiện, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 chăm sóc hơn 130 F0, bao gồm bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.
Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 có nhiều khu, đầy đủ giường hồi sức tích cực (ICU), giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho trường hợp đặc biệt. Hai bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3 đảm bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục; hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo quy trình, bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân đã được xét nghiệm dương tính và có liên hệ trước qua đường dây nóng. Trong quá trình chuyển đến viện, nhân viên y tế sẽ hoàn tất mọi thông tin, tình trạng bệnh để không mất nhiều thời gian làm thủ tục. Tại khu vực tiếp đón cấp cứu, bác sĩ sơ cứu, đánh giá tình hình rồi chuyển bệnh nhân vào buồng điều trị.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc bệnh viện) cho biết, các ca nặng trung bình trở lên tại đây chiếm khoảng 20%, 60-70 tuổi, lớn tuổi nhất là 96 tuổi. Ông từng tham gia điều trị bệnh nhân những đợt dịch bùng phát lớn tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Yên... và đặc biệt là TP HCM, thấy rằng áp lực điều trị ở tầng 3 luôn rất lớn, thậm chí chưa từng có trong lịch sử.
Bệnh viện hiện có tổng cộng 70 nhân viên y tế gồm bác sĩ và điều dưỡng, vừa đủ để hoạt động. Mỗi ca trực khoảng 4-5 tiếng, mọi người thay phiên nhau. Ba người ở trong phòng trực tiếp theo dõi người bệnh, còn lại theo dõi qua phòng điều khiển. Những khi có tình huống khẩn cấp, bác sĩ theo dõi ở phòng điều khiển buộc phải vào buồng hỗ trợ đồng nghiệp cấp cứu. Hiện, số ca nhập viện tăng, đồng nghĩa số F0 nặng cũng tăng, trong đó nhiều người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine...
"Không ai trong chúng tôi được phép lơ là, chủ quan bởi bệnh nhân có thể tốt lên từ từ, nhưng khi xấu thì diễn biến rất nhanh, trở nặng và tử vong trong thời gian ngắn", ông Hải nói.
Theo Phó giám đốc bệnh viện, từ đầu dịch, các nhân viên y tế đã luôn chuẩn bị tâm thế cho mọi tình huống, nhưng những lúc phải "buông tay" người bệnh, họ khó tránh được cảm xúc đau buồn. Nguyên nhân do số người nhiễm lớn, bác sĩ ít có thời gian cho bệnh nhân, hạn chế trong chẩn đoán, thăm dò, nhiều ca không tìm được nguyên nhân. Kể cả khi đủ thiết bị y tế và thuốc, bệnh nhân vẫn tử vong như trường hợp hai vợ chồng 60 tuổi, cùng nhập viện đầu tháng 10, phải thở máy, đặt ống nhưng đều không qua khỏi. Bệnh nhân nam khác, 68 tuổi, chuyển từ Bệnh viện Thanh Nhàn sang, đặt ống thở máy, tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, nhồi máu não, có nấm trong máu, sốc nhiễm trùng, được y bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng cũng tử vong...
"Khi chưa có đại dịch, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều sự ra đi. Nhưng cái chết của bệnh nhân Covid-19 lại khiến chúng tôi day dứt hơn cả, thậm chí thấy không thỏa đáng. Nhiều bệnh nhân không gặp được người nhà, không nói lời sau cùng, nỗi đau vô cùng nặng nề", bác sĩ Hải chia sẻ.
Giữa những khó khăn, mọi người động viên nhau "lấy sự bình phục của người bệnh làm động lực". Niềm vui mỗi ngày của nhân viên y tế đơn giản như chỉ số SpO2 bệnh nhân từ 85 lên 90% hay CT (xét nghiệm tải lượng virus) trên 30 để ra viện. Khoảng hai tuần trở lại đây lượng bệnh nhân nặng giảm do các bác sĩ đã có thêm "vũ khí" là thuốc điều trị, bệnh nhân trước đó đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực của bệnh viện đang được dồn vào điều trị F0 nặng. Ngày 22/11, gần 30 F0 xuất viện, cũng là thời điểm nhiều người ra viện nhất từ đầu mùa dịch.
Trường hợp bệnh nhân nữ ở Hà Giang chuyển lên, sau 10 ngày điều trị tích cực, bà còn khó thở khi gắng sức nhưng tiên lượng khả quan hơn, tình trạng oxy máu cải thiện, X-quang phổi đỡ tổn thương.
"Đây là những tín hiệu lạc quan cho tất cả chúng ta. Sau đại dịch này, anh em sẽ dày dặn và trưởng thành hơn, không chỉ chuyên môn mà còn cả bản lĩnh và nhiều thứ khác", bác sĩ Hải nói.
Tại buồng tiếp đón cấp cứu, điện thoại bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên vẫn dồn dập cuộc gọi ở tuyến dưới, CDC hoặc các bệnh viện và khu cách ly trong thành phố đề nghị tiếp nhận bệnh nhân. Vừa trả lời xong cuộc gọi từ gia đình muốn cập nhật tình trạng sức khỏe F0 tại đây, anh Nguyên lại tiếp nhận cuộc gọi thông báo bệnh nhân cấp cứu đang trên đường đến...
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 9.097 ca nhiễm, trong đó hơn 3.200 ca cộng đồng. Hiện, gần 3.000 ca đang được điều trị tại 11 bệnh viện, trong đó 19 ca thở oxy, ba ca thở máy xâm lấn.
Chính quyền Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó nếu thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm: tầng 1 tăng lên 9.200 giường; tầng 2 có 600 giường; tầng 3 là 200 giường. Trường hợp xuất hiện 40.000 ca, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800. Nếu có 100.000 ca, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1 (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Tính đến ngày 24/11, thành phố tiêm được hơn 11,6 triệu liều vaccine; trong đó, tiêm mũi một được 6,18 triệu liều (đạt gần 99% dân số từ 18 tuổi trở lên và hơn 70% tổng dân số), tiêm mũi hai được 5,43 triệu (đạt gần 88% dân số từ 18 tuổi trở lên và gần 60% tổng dân số).
Thùy An - Chi Lê