Năm 1987, Kim Hyon-hui đặt một quả bom lên chuyến bay mang số hiệu 858 thuộc hãng hàng không Korean Airlines, giết chết 115 người. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của Kim với vai trò điệp viên bí mật Triều Tiên.
"Sứ mệnh đặt ra là ngăn chặn Thế vận hội Olympic Seoul năm 1988", CNN dẫn lời Kim, 55 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn mới đây. Kim năm 1990 được ân xá sau các phiên xét xử căng thẳng ở Hàn Quốc vì vai trò của bà trong vụ đánh bom.
Câu chuyện Kim kể cho thấy Bình Nhưỡng đã chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài ra sao để cản trở Olympic Mùa hè, vốn được cho là sự kiện giúp Hàn Quốc thể hiện khả năng phát triển vượt bậc. Chiếc Boeing 707 Hàn Quốc ngày 29/11/1987 nổ tung trên biển Andaman, ngoài khơi Myanmar.
Ba thập kỷ trôi qua, Triều Tiên lại chuẩn bị tham dự Olympic tại Hàn Quốc. Chính quyền hai nước xác nhận các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng diễu hành dưới một lá cờ chung tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang và cùng nhập thành một đội tranh tài trong môn khúc côn cầu trên băng dành cho nữ. Câu hỏi đặt ra là tình thế hiện nay khác gì so với 30 năm trước.
Kim cảnh báo Triều Tiên thực tế không thay đổi gì so với thời điểm bà còn làm gián điệp ngầm và Bình Nhưỡng đến giờ vẫn chưa xin lỗi về vụ đánh bom hay đứng ra nhận trách nhiệm. "Họ đang muốn lợi dụng Hàn Quốc để vượt qua khó khăn... Đừng bị đánh lừa. Triều Tiên không hề thay đổi", Kim quả quyết.
7 năm huấn luyện
Phóng viên CNN gặp Kim trong một phòng khách sạn ở Hàn Quốc. Hộ tống bà là dàn vệ sĩ gồm hơn 10 người. Kênh truyền hình Mỹ không thể tiết lộ cụ thể địa điểm bởi chính phủ Hàn Quốc lo ngại các điệp viên Triều Tiên có thể vẫn tìm cách thủ tiêu Kim.
Kim cho biết bà đã trải qua 7 năm huấn luyện để trở thành điệp viên ngầm và có kiến thức sâu về hoạt động an ninh ở Triều Tiên. Được tuyển chọn từ trường đại học khi mới 18 tuổi nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, Kim dành một năm trải qua các bài huấn luyện về tình báo tại một trại bí mật nằm sâu trong núi. Người ta dạy bà võ, bắn súng, liên lạc qua radio và cách sinh tồn giữa môi trường tự nhiên.
Bà học tiếng Nhật từ Yaeko Taguchi, một phụ nữ Nhật mà theo lời Kim là bị Triều Tiên bắt cóc. Kim sống cùng người phụ nữ này trong hai năm. Sau đó, bà được gửi tới thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, học tiếng Quan Thoại.
Tháng 11/1987, Kim bất ngờ bị gọi trở về Bình Nhưỡng. Chính quyền Triều Tiên quyết định Kim đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Bà nhận mệnh lệnh ngay trong đêm từ quan chức quân sự cấp cao nhất thuộc cơ quan gián điệp.
Kim và nam đồng nghiệp Kim Seung-il tới thủ đô Vienna, Áo, giả dạng là một cặp tình nhân người Nhật Bản. Tại đây, họ nhận quả bom.
"Bom được giấu trong một chiếc đài Panasonic nhỏ gắn pin. Triều Tiên chế tạo nó với một nửa có khả năng phát nổ, nửa còn lại giống như chiếc đài bình thường", Kim mô tả.
Bom trong đài radio
Hai người mang quả bom tới Baghdad, Iraq. Lúc Kim cùng người đồng hành làm thủ tục lên chuyến bay 858 của hãng hàng không Korean Airlines, pin trong đài bị tịch thu. Thiếu chúng, quả bom không thể phát nổ.
"Tôi lúc đó vô cùng hồi hộp", Kim cho hay. "Tôi cầm chỗ pin lên, lắp chúng vào đài rồi phàn nàn với các quan chức phụ trách. Khi tôi bật radio, âm thanh phát ra, tôi bảo họ rằng họ đang gây phiền hà quá đáng". Kim cuối cùng được thông qua cửa an ninh và lên máy bay với chiếc đài còn nguyên vẹn.
"Trong một khoảnh khắc, tâm trí tôi lóe lên suy nghĩ 'những người này sẽ phải chết'. Tôi cảm thấy bất ngờ vì mình lại nghĩ như vậy. Tôi thấy mình quá yếu lòng. Tôi hành động vì mục tiêu tái thống nhất quốc gia", bà chia sẻ.
Kim đặt quả bom vào ngăn hành lý. Họ ngồi thư giãn và chờ đợi. Khi máy bay dừng ở Abu Dhabi, hai người đứng dậy, bình tĩnh rời khỏi khoang. Chiếc phi cơ chở 115 người mang theo quả bom của Triều Tiên tiếp tục hành trình tới Seoul nhưng không bao giờ đến đích.
Bị bắt
Kế hoạch tẩu thoát thông qua Rome và Vienna không thành công. Hai điệp viên Triều Tiên bị bắt tại Bahrain nhưng họ còn kế hoạch B: Tự sát bằng chất độc cyanua giấu trong đầu lọc thuốc lá.
"Chúng tôi được dạy rằng nếu một điệp viên thất bại khi làm nhiệm vụ, anh hoặc cô ta phải tự sát. Chúng tôi phải nuốt thuốc độc để bảo vệ bí mật... Chúng tôi hiểu rõ rằng gia đình mình ở Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng nên chúng tôi buộc phải nuốt thuốc. Lúc bấy giờ, tôi đã nghĩ 25 năm cuộc đời mình sẽ kết thúc tại đây".
Nuốt chất độc, Kim mất ý thức nhưng bà được cứu sống. Đồng nghiệp nam đi cùng Kim không qua khỏi. Bị dẫn độ về Hàn Quốc để thẩm vấn, Kim cho biết bà đã phủ nhận mọi thứ trong 8 ngày liên tiếp vì sợ gia đình mình bị trả thù.
Ban đầu bà khai rằng mình là trẻ mồ côi Trung Quốc lớn lên ở Nhật Bản và khẳng định không liên quan đến vụ tấn công. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc đã chỉ ra bằng chứng chống lại Kim: Thuốc lá mà bà mang theo là loại được dùng bởi các điệp viên Triều Tiên bị bắt giữ ở Hàn Quốc.
Sau khi xem một bộ phim về cuộc sống ở Hàn Quốc, Kim nhận ra đường phố Seoul "hoàn toàn khác với điều bà được dạy". Bà cuối cùng thừa nhận thực hiện vụ đánh bom.
Kim bị kết án tử hình nhưng Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo quyết định ân xá cho bà vì tin rằng Kim chỉ là một nạn nhân bị tẩy não.
"Lúc hay tin mình được ân xá, thay vì cảm thấy sung sướng, tôi nghĩ tới mẹ ở Triều Tiên. Bà ấy sẽ vui mừng thế nào khi thấy đứa con suýt chết đến nơi vẫn còn sống. Nhưng tôi là tội đồ, tôi đáng phải chết", Kim nói với CNN.
Kim sau đó làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, kết hôn với một trong những người bảo vệ bà và có hai con. Kim đã viết hồi ký kể lại câu chuyện cuộc đời mình và thường xuyên quyên góp số tiền thu về từ việc bán sách cho gia đình các nạn nhân vụ đánh bom máy bay.
Vũ Hoàng