Đầu tháng 8, nữ bệnh nhân từ Bình Thuận vào viện khi đã suy hô hấp nặng, nhịp thở nhanh, xuất huyết âm đạo lượng nhiều gây thiếu máu, da xanh, mắt trắng nhợt.
Bệnh nhân bị thai trứng, từng điều trị hút nạo tại bệnh viện, năm 2020. Đây là bệnh lý cần theo dõi và tái khám nghiêm ngặt, kéo dài trong hai năm. Lý do phần lớn các trường hợp sau điều trị thai trứng sẽ diễn tiến tốt nhưng ở một số người, nếu không theo dõi và điều trị đúng, các nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể phát triển ung thư.
Ngày 27/8, bác sĩ Võ Thanh Nhân, Trưởng Khoa Ung bướu phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết y bác sĩ đã dặn dò rất chi tiết về việc tái khám. Thậm chí, khi đến hẹn, không thấy cô trở lại, nhân viên đã gọi điện nhiều lần nhưng số điện thoại người bệnh cung cấp đều không liên lạc được.
Bệnh nhân cho biết tình hình dịch Covid-19 kéo dài, đi lại khó khăn nên không tái khám định kỳ như đã dặn. Cô không nghĩ bệnh đang tiến triển nặng từng ngày và nặng nhất là đã chuyển sang bệnh ung thư nguyên bào nuôi giai đoạn ba.
"Ung thư đã xâm lấn di căn khắp các cơ quan nội tạng, nặng nhất là xâm lấn, ăn thủng tử cung, gây xuất huyết ồ ạt trong bụng", bác sĩ Nhân nói, thêm rằng khối u cũng xâm lấn toàn bộ hai lá phổi gây xẹp phổi, tràn dịch màng phổi đưa đến tình trạng suy hô hấp dữ dội. Bệnh viện hội chẩn liên tục và quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay sau khi huyết động của bệnh nhân ổn định, mở bụng lấy khối ung thư.
Khi mở bụng bệnh nhân, kíp mổ ghi nhận khoảng 1,6 lít máu, khối ung thư kích thước lớn có điểm vỡ đang chảy máu. Trong cuộc mổ kéo dài hai giờ, bác sĩ lấy được hết khối ung thư và khâu cầm máu cơ tử cung thành công. Cô gái tiếp tục hôn mê thở máy do phổi bị xẹp kèm tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi lượng nhiều.
Tình trạng bệnh nhân mỗi lúc một xấu hơn, máu trào qua ống nội khí quản, từng đợt, ngày nào cũng phải truyền máu và nữ hộ sinh chăm sóc phải hút ống nội khí quản liên tục. Bác sĩ hội chẩn cùng các nơi như Chợ Rẫy, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đều xác định không thể chuyển viện vì nguy cơ tử vong trên đường.
Trước tình thế nghìn cân treo sợi tóc, bác sĩ Nhân hội chẩn ban giám đốc viện, quyết định điều trị hóa chất với hy vọng ngăn chặn bệnh ung thư tiến triển. Khi đó, tổn thương phổi mới hồi phục được, bệnh nhân có thể cai máy thở. Thông thường điều trị hóa chất trong bệnh lý ung thư sẽ có nhiều tác dụng phụ nên đòi hỏi sức khỏe người bệnh phải ổn định.
"Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên bệnh viện quyết định điều trị trong tình trạng hôn mê, thở máy, xẹp phổi, viêm phổi, xuất huyết phổi, nhiễm trùng huyết để tìm hy vọng sống cuối cùng cho bệnh nhân", bác sĩ chia sẻ.
Sau ba ngày vô hóa chất và phối hợp nhiều biện pháp điều trị tích cực, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tình trạng bệnh nhân bắt đầu cải thiện. Dù đang thở máy, nhưng gọi có đáp ứng mở mắt, nhận biết được khi hỏi, niêm mạc mắt hồng hơn, da bớt xanh. Sau 6 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hơn, tiếp xúc khá hơn. Tiên lượng bệnh nhân cần thở máy kéo dài và để tránh các biến chứng xảy ra, bệnh viện hội chẩn, mời bác sĩ Tai Mũi Họng sang hỗ trợ mở khí quản ra da.
Hai tuần sau, bệnh nhân được chuyển ra khỏi khu hồi sức tích cực (ICU) và hồi phục nhanh, có thể đi lại, ăn uống bình thường. Các bác sĩ cho bệnh nhân về nhà một tuần, sau đó quay lại tiếp tục điều trị các đợt hóa chất cho đủ liều.
Trước khi ra xe, cô gái viết bức thư tay với những dòng cảm ơn gửi đến các y bác sĩ đã giúp hồi sinh từ cửa tử.
Lê Phương