Bệnh nhân được bác sĩ Phạm Thị Yến Vân, Trưởng khoa Phụ 2, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tiến hành thủ thuật nạo thai trứng vào tuần trước. Bệnh phẩm mô nạo được gửi giải phẫu bệnh tại khoa Giải phẫu bệnh lý của bệnh viện.
Chửa trứng là tình trạng bệnh lý của nhau thai. Thông thường sau khi trứng được thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh để cấu tạo thành thai và phần phụ của thai (như túi ối, gai nhau, nhau ..). Sự phát triển giữa phần thai và phần phụ của thai phải tương ứng với nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp tế bào nuôi (phần phát triển thành gai nhau) phát triển quá nhanh nên tổ chức liên kết và các mạch máu rốn của gai nhau không phát triển kịp.
Hậu quả là gai nhau bị thoái hóa, sưng mọng lên và tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau như chùm nho, thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung. Các tổn thương này đã làm trứng hỏng nhưng gai nhau vẫn được nuôi dưỡng bằng máu mẹ nên vẫn tiếp tục hoạt động. Hiện tượng này gọi là hiện tượng chửa trứng.
Chửa trứng đa số là lành tính, tuy nhiên trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như băng huyết do trứng bị sảy gây băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ. Ngoài ra còn có biến chứng xâm lấn gây thủng tử cung do trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu ổ bụng. Thậm chí, chửa trứng có thể phát triển ung thư. Ung thư tế bào nuôi xâm nhập sang cơ thể mẹ qua đường máu di căn đến bộ phận xa. Đây còn gọi là hiện tượng ung thư mô trung sản, chiếm khoảng 10-30% các ca chửa trứng.
Nguyên nhân gây ra chửa trứng còn chưa rõ hoàn toàn. Các yếu tố nguy cơ là có khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng; bất thường ở tử cung; thiếu dinh dưỡng (chế độ ăn ít protein, folic acid, carotene). Phụ nữ dưới 20 và trên 40 tuổi có nguy cơ cao bị chửa trứng.
Nếu chửa trứng không bị sẩy tự nhiên thì cần nong cổ tử cung và nạo hút sạch buồng tử cung. Thủ thuật này cần được thực hiện thận trọng bởi thầy thuốc có kinh nghiệm.
Sau sẩy hay sau nạo hút, bệnh nhân cần được theo dõi nồng độ hCG trong huyết thanh cho tới khi có nồng độ bình thường như trước khi có thai. Nếu bệnh nhân đã có tuổi và không còn muốn sinh đẻ nữa, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung. Tỷ lệ chửa trứng tái phát là khoảng 1%.
Để phát hiện sớm chửa trứng thai phụ nên đi khám thai định kỳ theo khuyến cáo và khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Người bệnh nên đến cơ sở y tế tin cậy để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sớm và phát hiện kịp thời, tránh tai biến.
Chửa trứng được chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào siêu âm và xét nghiệm nồng độ Beta- hCG. Với siêu âm, chửa trứng có thể được phát hiện rất sớm và dễ dàng, thường ở thai dưới 9 tuần.
Đối với bệnh nhân chửa trứng, sau khi điều trị ổn định được xuất viện cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong 2 năm. Trong thời gian này cần có các biện pháp ngừa thai phù hợp, sẵn sàng cho lần mang thai sau.