Lexi Shangraw, sống ở San Francisco, đã bay đến Phoenix vào đầu tháng 3 cho một kỳ nghỉ ngắn ngày. Nhưng cuối cùng, cô phải ở lại lâu hơn vì đại dịch.
Tháng 7, Lexi quyết định về nhà và chọn dịch vụ bay tư nhân. Vé một chiều của cô có giá 159 USD. Đồng hành cùng cô trên chuyến bay là 15 hành khách khác, dù công suất tối đa của chuyến bay có thể chở 29 người. Lexi khởi hành từ một nhà ga nhỏ, không có quá nhiều người. Cô cũng không phải đến sớm hai tiếng như bay thông thường để làm các thủ tục. Cũng trong ngày, một chuyến bay tương tự của hãng hàng không khác với hành trình bay giống vậy, có giá 150 USD.

Chuyến bay từ New York đến Miami trên chiếc Silver Air có giá hàng chục ngàn USD. Nhưng hàng trăm hành khách sẵn sàng chờ đợi để đến lượt sử dụng dịch vụ. Ảnh: NYT.
Lexi là một trong số ngày càng nhiều người Mỹ sử dụng máy bay tư nhân và coi đó là phương tiện thay thế máy bay thương mại. Vào tháng 4, số lượng hành khách trên các chuyến bay thương mại giảm 95% so với năm trước, còn số lượng hành khách trên máy bay tư nhân chỉ giảm 67%. Ngày 5/7, khi các chuyến bay thương mại giảm 74% so với năm ngoái, các chuyến bay tư nhân lại tăng 5%, theo bảng phân tích dữ liệu từ công ty tư vấn hàng không Argus.
Bên cạnh sự tiện lợi, an toàn, giá vé cho một chuyến bay như thế này cũng không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, đây là các dịch vụ bay tư nhân bình dân. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể lựa chọn các chuyến bay đắt tiền hơn, có giá từ vài nghìn USD lên hàng chục nghìn USD cho mỗi giờ bay. Đổi lại, du khách được sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn.
Franklin Antoian là một ví dụ. Tháng 7, anh bay từ Florida đến New York cùng vợ và hai con để thăm gia đình trong một chuyến bay có giá 20.000 USD. Số tiền này cao gấp sáu lần so với giá vé khoang hạng nhất Franklin vẫn ngồi khi đi máy bay thương mại. Giải thích cho sự xa xỉ này, nam hành khách nói rằng đây có thể là chuyến bay duy nhất của mình trong năm nay, vì diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường.
Với dịch vụ này, gia đình Franklin được đưa đón bằng xe riêng tận nhà, và được đưa tới tận cửa một sân bay nhỏ. Máy bay chỉ cất cánh khi gia đình Franklin sẵn sàng. Với trải nghiệm này, gia đình anh không phải đối mặt với những điều khó chịu khác như khi bay thông thường: có hành khách không chịu đeo khẩu trang trên máy bay, chấp nhận tình trạng hoãn hủy chuyến hay chờ đợi trong một nhà ga đông kín khách.
Hạn chế với nhiều du khách khi sử dụng dịch vụ máy bay riêng chính là chi phí. Một chuyến bay thuê nguyên chuyến một chiều giữa New York và Miami có giá từ 15.000 USD đến 20.000 USD, với từ 4 đến 10 chỗ. Dù chia số tiền trên cho 10 người, mỗi hành khách cũng phải bỏ ra số tiền cao hơn nhiều lần nếu họ đi hạng phổ thông hay tiết kiệm.
Để kích cầu người sử dụng, các hãng bay đang thực hiện chính sách giảm giá, ưu đãi. Theo Đạo luật CARES, khách của dịch vụ này không cần phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang 7,5% trong khoảng thời gian từ 28/3 đến 31/12/2020. Các công ty không phải trả thuế nhiên liệu trong thời gian đó, và số tiền này sẽ được các hãng bay trừ trực tiếp vào tiền vé.
Các chuyên gia hàng không Mỹ cho rằng, xu hướng sử dụng máy bay phản lực sẽ tiếp tục trong thời gian tới, trong khi hàng không thương mại phải đối mặt với nhiều tổn thất.
Lời từ biệt của 'Nữ hoàng bầu trời'
Anh Minh (Theo New York Times)