"Tôi không biết ai nghĩ rằng đây là ý tưởng hay, nhưng nó không phải hành động dũng cảm, thông minh hay hiệu quả. Nó hoàn toàn ngu ngốc và phản tác dụng ở mọi cấp độ, cũng như quá phi lý và không cần thiết", Chris Harmer, cựu phi công hải quân Mỹ với 3.500 giờ bay tích lũy, hôm qua nhận xét về vụ trực thăng quân sự bay thấp, treo lơ lửng trên đầu đám đông biểu tình ở thủ đô Washington.
Sự việc xảy ra khi đám đông biểu tình phản đối vụ cảnh sát ghì chết người da màu George Floyd tối 1/6 tuần hành qua các khu phố ở thủ đô Washington, bất chấp lệnh giới nghiêm. Khi họ đến gần khu Chinatown, một trực thăng quân sự UH-72 Lakota xuất hiện, cố tình bay thấp khiến đám đông tản ra.
Chiếc trực thăng tiếp tục treo lơ lửng trên đầu người biểu tình, hành động được mô tả là "phô diễn sức mạnh và hăm dọa", trong vài phút trước khi rời đi.
Trực thăng lơ lửng trên đám đông biểu tình ở thủ đô Washington, hôm 1/6. Video:Twitter/NYTimes.
Harmer đã nói chuyện với hơn 10 phi công trực thăng hải quân Mỹ sau sự việc, tất cả đều nhất trí rằng vấn đề lớn nhất là phi công chiếc trực thăng UH-72 đã có hành động quá nguy hiểm cho chính họ và những người biểu tình dưới mặt đất.
Trực thăng treo lơ lửng gần mặt đất sẽ tạo ra luồng gió rất mạnh hướng xuống dưới, thổi bay nhiều bụi và vật thể nhỏ. Một số người biểu tình mang đồ bảo hộ như khẩu trang, khăn che mặt và kính, nhưng phần lớn đều không có gì để che chắn. Họ dễ bị thương khi các dị vật hoặc cát bụi quét vào cơ thể với tốc độ cao.
Trong khi đó, trực thăng cũng đối mặt nguy cơ hút phải dị vật vào động cơ, dẫn tới hư hỏng lâu dài hoặc thậm chí là tai nạn. "Trường hợp xấu nhất là động cơ hoặc hệ thống điều khiển ngừng hoạt động khi đang bay treo. Tổ lái sẽ không có đủ khoảng trống để tìm nơi hạ cánh an toàn, cũng không đủ độ cao để áp dụng quy trình hạ khẩn cấp khi hỏng động cơ. Cả người dân và tổ bay đều bị đặt vào vòng nguy hiểm mà không có lý do chính đáng", Harmer nói.
Các phi công trực thăng trong quân đội Mỹ đều được huấn luyện kỹ thuật bay treo ở độ cao nhỏ để phô trương sức mạnh và giải tán đám đông. Nó từng được sử dụng rộng rãi ở Iraq và Afghanistan, nhưng phần lớn phi công đều ghét loại nhiệm vụ này vì mức độ rủi ro quá cao.
"Ngay cả khi hành động đó là cần thiết, điều khiển trực thăng hăm dọa người dân không phải điều mà phi công nào cũng sẵn sàng thực hiện. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chứng kiến cảnh trực thăng quân sự Mỹ được dùng theo cách đó trên lãnh thổ Mỹ", Harmer nói.
Cựu binh Mỹ cho rằng sự việc này bị phản đối cũng vì vi phạm nguyên tắc từ lâu rằng quân đội Mỹ chỉ nên được triển khai để bảo đảm an ninh trong nước khi thật sự cần thiết và trong các trường hợp bất thường. Lầu Năm Góc có thể triển khai lực lượng hỗ trợ chính quyền dân sự khi xảy ra thiên tai hoặc các thảm họa quy mô lớn, chúng được gọi là hoạt động Hỗ trợ Quốc phòng cho Chính quyền Dân sự (DSCA).
Hiếm gặp hơn là trường hợp triển khai binh sĩ khi trật tự xã hội bị phá vỡ hoàn toàn. Sau khi bão Katrina tàn phá thành phố New Orleans và các vùng lân cận hồi tháng 8/2005, tình hình an ninh xấu đi nhanh tới mức làm quá tải lực lượng hành pháp địa phương. Các đơn vị Vệ binh Quốc gia khi đó được triển khai để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh và khôi phục trật tự xã hội.
"Người dân đồng tình với hành động đó vì nó là cần thiết và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tôi không nghĩ công chúng sẽ ủng hộ việc triển khai trực thăng quân sự để trấn áp và xua đuổi người dân Mỹ", Harmer nêu quan điểm.

Trực thăng UH-72 bay treo trên người biểu tình ở thủ đô Washington hôm 1/6. Ảnh: DCist.
Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington hôm 2/6 thông báo đang điều tra hoạt động của chiếc UH-72 Lakota, khẳng định ưu tiên là an toàn cho binh sĩ và công dân. Trung tá Chris Mitchell, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói rằng các trực thăng UH-72 được triển khai để "giám sát vị trí của Vệ binh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ ứng phó với bất ổn dân sự" và không nằm trong hoạt động hành pháp.
Phong trào biểu tình kêu gọi công lý cho George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis, khởi phát từ cuối tháng 5, sau đó lan tới ít nhất 140 thành phố của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Một số phần tử quá khích và cơ hội tại Mỹ đã lợi dụng biểu tình để cướp bóc, đập phá các cửa hàng, đốt xe và các tòa nhà.
Ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với các vụ bạo động. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Washington D.C. và 28 bang.
Vũ Anh (Theo Drive)