Ông sáng tác bài hát trong hai đêm, tại phòng làm việc của mình. "Đây là nén hương tri ân thắp cho các đồng đội ở Gạc Ma, những người lính cùng thế hệ với tôi đã ngã xuống vì đạn pháo quân Trung Quốc 33 năm trước", nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ.
Nhạc sĩ từng là cựu chiến binh Sư đoàn 356, đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) những năm 1984-1989. Ông cảm thấy mình mắc nợ đồng đội, khi nhiều lần muốn viết về 64 liệt sĩ Gạc Ma nhưng không có thông tin tư liệu, cho đến vài năm trở lại đây khi sự kiện được báo chí nhiều lần nhắc tới.
Máu loang màu cờ, vòng tròn bất tử, giai điệu vang lên, lấy cảm hứng từ sự hy sinh của trung úy Trần Văn Phương, tay ôm chặt lá cờ Tổ quốc khi quân Trung Quốc tấn công. Đối mặt với kẻ thù chiếm đảo lúc ấy, những người lính hải quân Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ, kể cả khi gục xuống vì đạn xé, dao đâm.
Tháng 3/1988, nhạc sĩ Trương Quý Hải lần đầu nghe tin vụ thảm sát qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm ấy ông 28 tuổi, đang là sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất, mới trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc sau ba năm quân ngũ.
Sinh viên ngày đó không có tiền mua báo, chỉ nghe qua đài rồi truyền tai nhau về một cuộc đụng độ xảy ra trên biển, 64 chiến sĩ hy sinh, Gạc Ma bị chiếm đóng trái phép bằng vũ lực. "Lúc đó chúng tôi không có nhiều thông tin, nên không thể hình dung sự kiện bi thảm như sau này xem hình ảnh", nhạc sĩ nhớ lại.
Năm năm sau, tháng 4/1993, nhạc sĩ Trương Quý Hải mới có dịp nhìn thấy Gạc Ma trong chuyến đi thăm Trường Sa cùng đoàn đại biểu thanh niên cả nước.
"Gạc Ma kia kìa, anh em hy sinh ở đó", chiến sĩ hải quân chỉ cho đại biểu khi tàu đến gần cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Hôm ấy trời trong, nắng ấm, không gian dềnh lên màu xanh biếc không phân biệt biển trời. Nhưng ai nấy vẫn nhận ra đảo chìm Gạc Ma, bởi vùng nước bao quanh nhạt màu hơn do đá phản chiếu và Trung Quốc chưa cải tạo, xây dựng các công trình trái phép như những năm gần đây. Không có hoa để thả, đoàn người đứng trên boong tàu cúi đầu về hướng Gạc Ma tưởng niệm. Lau vội giọt nước mắt, nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ mãi cảm giác đau tức trong lồng ngực khi nhìn thấy một phần Tổ quốc đã bị chiếm trái phép.
Cô Lin cách Gạc Ma 3,6 hải lý, khi ấy là cụm công trình đơn sơ nổi trên mặt biển và những chàng trai tuổi đôi mươi đứng giữa mênh mông sóng nước. Chiến sĩ dầm mình ùa ra đón đoàn, đỡ những bao thư nhà và của học sinh, sinh viên cả nước gửi đến. Nhiều chị em trong đoàn chảy nước mắt khi được chiến sĩ cõng qua rạn san hô cho khỏi ướt. Trong làn nước biển mặn mòi, những chàng trai cháy nắng, nhưng vui phơi phới khi gặp người từ đất liền.
Hai tiếng trên đảo, Trương Quý Hải ngồi ôm guitar đệm đàn cho Thảo Vân, khi đó là giọng ca vàng sinh viên hát. Chiến sĩ ngồi vòng quanh, chỉ muốn nghe những bài hát về quê hương cho thỏa nhớ nhà. Cuộc sống thiếu thốn rau xanh, nước ngọt, cả sự đe dọa của kẻ địch không dập tắt được nụ cười của lính đảo. Lúc đoàn rời Cô Lin, chiến sĩ dong xuồng khỏi bãi san hô mà đôi tay như níu giữ người ở lại, luyến tiếc hơi ấm từ đất liền. Có anh em còn đùa "giăng hết thủy lôi rồi, không cho đoàn đi nữa".
Vòng tròn bất tử vang lên từ sự đồng cảm trong trái tim người lính, những thanh niên cùng thế hệ với nhau lên đường bảo vệ Tổ quốc. "Tôi nhận ra, từ lũy đá bất tử miền biên cương Vị Xuyên đến vòng tròn bất tử Gạc Ma nơi biển đảo, cương vực, bờ cõi Tổ quốc đều được tạc bằng những linh hồn tuổi đôi mươi như thế, nơi nào cũng có máu xương đổ xuống", ông nói.
Năm 20 tuổi, Trương Quý Hải cất giấy báo đậu Đại học Mỏ - Địa chất rồi tòng quân lên biên giới phía Bắc. Cánh thanh niên khu Trung Tự (Đống Đa, TP Hà Nội) nơi ông cư trú lúc đó đi bộ đội gần hết. Bố ông từng là cảm tử quân Hà thành, vỗ vai con trai khi Hải thông báo việc tòng quân "thế mới là đàn ông".
Nhạc sĩ Trương Quý Hải từng tham gia đơn vị tuyên văn, rồi chuyển sang phục vụ chiến đấu khi bộ đội Việt Nam mở chiến dịch MB84 tháng 7/1984, giành lại các điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng. Lúc đó ông nhận nhiệm vụ tải đạn, làm công tác tử sĩ ở Vị Xuyên (Hà Giang) và không thể nhớ nổi mình chứng kiến bao nhiêu sự hy sinh cùng trang lứa, tự tay khâm liệm, chôn cất bao nhiêu đồng đội.
Năm tháng trôi qua, nhớ đến chiến trường Vị Xuyên, ông nghĩ nơi đó là đất liền, có rừng, có núi, người lính còn đồng đội và nhân dân ở phía sau lưng. Nhưng giữa biển trời Gạc Ma sáng hôm ấy, người lính hải quân chỉ có cán xẻng, cuốc chim với ý chí giữ đảo của mình, đối đầu với bên kia là súng ống, đạn pháo, tàu chiến đầy đủ. 64 liệt sĩ cùng con tàu HQ-604 mãi chìm sâu dưới lòng biển lạnh. Những cựu binh biên giới phía Bắc như ông Hải, vẫn động viên nhau còn được hội quân trên Đài hương 468 mỗi năm một lần, "còn anh em Gạc Ma chỉ được vọng về Gạc Ma, và có những nỗi đau đã phải nén lại".
Từng có thời kỳ trận chiến ở Vị Xuyên, ở Gạc Ma... ít được nhắc đến, nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm niệm rằng thông tin nên được đầy đủ, chính danh để cho thế hệ sau đều biết rõ, và đó sẽ chính là sức mạnh hiệu triệu khối đại đoàn kết dân tộc và dũng khí của người Việt.
Gạc Ma ơi, ngày đoàn viên bờ cõi nước Nam nối liền, bài hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải kết thúc bằng một lời ước nguyện non sông.
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thuộc Quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên bãi cướp cờ, xả súng làm 64 chiến sĩ hy sinh, bắn chìm tàu HQ-604. Tại Cô Lin, bị quân Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ-505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ-605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao; còn Gạc Ma bị chiếm đóng trái phép.
Hoàng Phương