Phán quyết được TAND tỉnh Bắc Ninh công bố chiều 1/11, sau hơn 3 ngày xét xử và nghị án.
Cùng tội Nhận hối lộ, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung bị phạt 2 năm; cựu giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Tuynh 3 năm 6 tháng.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị tuyên 13 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp ba bản án đã tuyên, bà Nhàn phải chấp hành tổng hình phạt 30 năm tù. Phó tổng giám đốc AIC Nguyễn Hồng Sơn (đang bỏ trốn) bị phạt 10 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp bản án 10 năm tù trong sai phạm đấu thầu tại Quảng Ninh, hình phạt với ông Sơn là 17 năm tù.
Bản án xác định, các cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh gồm ông Chiến, ông Quỳnh, ông Chung và ông Tuynh đã "lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thống nhất việc phân chia, tạo điều kiện" cho Công ty AIC và Công ty thuộc hệ sinh thái Công ty AIC của bà Nhàn và nhóm Công ty của ông Lã Tuấn Hưng (Tổng giám đốc công ty Sông Hồng), thông thầu, trúng thầu, thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là việc làm trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 49 tỷ đồng.
Sau khi giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhóm các công ty trên trúng thầu, 4 ông đã nhận tiền hối lộ từ bị cáo Nhàn và Hưng, trong đó ông Chiến nhận 4 tỷ đồng cùng 10 tỷ đồng "cảm ơn" từ bà Nhàn.
Theo tòa, bị cáo Nhàn và Sơn dù nhà chức trách kêu gọi đầu thú nhưng vẫn vắng mặt, đồng nghĩa từ bỏ quyền của mình. Song hai bị cáo vẫn được gia đình nhờ luật sư bào chữa, các luật sư được tranh tụng công khai tại tòa, đã đảm bảo quyền lợi hợp pháp, đúng thủ tục tố tụng, đúng pháp luật. Vì thế, việc kết tội và tuyên án vắng mặt với hai người này là đúng, không oan.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an của địa phương. Tuy nhiên, một số bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh phạm tội trong trạng thái nóng vội, mong muốn sớm có thiết bị cho các bệnh viện để nhân dân được thụ hưởng. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.
Về tính chất, đây là vụ án phạm tội giản đơn giữa các bị cáo với nhau. Trong đó, ông Chiến lợi dụng quyền hạn để cho chủ trương phân chia gói thầu cho doanh nghiệp và sau đó nhận tiền hối lộ nhiều nhất nên có vai trò cao nhất. Bị cáo Nhàn độc lập thực hiện hành vi đưa hối lộ song phạm tội nhiều lần nên phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Đánh giá bối cảnh, mức độ phạm tội, công lao, HĐXX xét thấy một số bị cáo chỉ cần áp dụng dưới mức của khung hình phạt thấp nhất cũng đủ sức răn đe. Một số bị cáo như Chiến, Quỳnh, Tuynh, Chung, Nhường được miễn án phí và không phải áp dụng hình phạt bổ sung do tuổi cao, đã nghỉ hưu, sức khỏe yếu.
Về dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường 48,7 tỷ đồng cho bị hại là Ban quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế Bắc Ninh. Trong đó, bà Nhàn phải nộp 21,1 tỷ đồng, Hưng 22,8 tỷ đồng (đã nộp hết); các bị cáo còn lại của nhóm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, từ 10 đến 50 triệu đồng và tòa ghi nhận đã khắc phục hết.
Ngoài phần tiền nhận hối lộ và hưởng lợi bất chính phải nộp lại, tòa buộc một số bị cáo phải khắc phục thêm tiền hậu quả vụ án. Cụ thể, ông Chiến 500 triệu đồng, ông Quỳnh 300 triệu, ông Tuynh 350 triệu, ông Chung 100 triệu, Nhường 250 triệu. Tòa ghi nhận những người này đã nộp đủ tiền.
Trong hai ngày diễn ra phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng, song mong được xem xét bối cảnh phạm tội, tình hình địa phương khi đó với những áp lực với lãnh đạo. Họ nhận tiền của doanh nghiệp nhưng không thỏa thuận ăn chia, không nài ép hay ra điều kiện, chỉ ưu tiên tối đa phát triển hoàn thiện hệ thống bệnh viện chăm sóc an sinh cho nhân dân.
Nhóm bị cáo có vai trò thấp hơn như hai cựu nhân viên của AIC khai mới vào làm việc nên lãnh đạo phân công gì làm đó, không được hưởng lợi từ sai phạm.
Trong phần bào chữa và lời sau cùng, các bị cáo và luật sư phần lớn không tranh luận về tội danh, cảm ơn VKS đưa ra mức án đề nghị thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt, song vẫn xin được "nhẹ hơn nữa".
Ông Chiến xin lỗi Đảng, dân, mong sai phạm là lời cảnh tỉnh cho các lãnh đạo đương nhiệm. Cựu phó chủ tịch Hạnh, người giữ chức giám đốc Sở Y tế tỉnh trong thời gian xảy ra sai phạm, đã nhiều lần khóc, xin sớm được trở về viết nốt cuốn sách về y học đang ấp ủ dở dang.
Đối đáp, VKS giữ nguyên quan điểm, khẳng định hình phạt đề nghị đã cân nhắc kỹ. "Mức án với tội Nhận hối lộ lên đến tử hình, tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng lên tới 20 năm, do đó mức án chúng tôi đề nghị đã rất khoan hồng", đại diện VKSND Bắc Ninh cho hay.
Theo cơ quan công tố, mức án đã xét rất kỹ đến công lao của các bị cáo trong quá trình công tác, để cân bằng giữa "công và tội".
Vụ án khởi nguồn khi tỉnh Bắc Ninh cải tạo, xây dựng mới 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, BQL dự án thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư.
Một số lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh bị cáo buộc thông thầu với doanh nghiệp để nhóm công ty Sông Hồng trúng 3 gói thầu, được thanh toán tổng 70 tỷ đồng, trong đó 22,8 tỷ đồng là giá trị bị khống. AIC trúng 3 gói thầu, được thanh toán 99,8 tỷ đồng, trong đó 25,8 tỷ đồng là giá trị khống.
Thiệt hại vụ án, 48,7 tỷ đồng, là số tiền ngân sách tỉnh phải chi trả cho phần giá trị bị nâng khống.
Từ thỏa thuận trước khi làm dự án, sau khi trúng thầu, hai công ty AIC và Sông Hồng bắt đầu đưa tiền cảm ơn lãnh đạo tỉnh. Trong đó, ông Chiến nhận 14 tỷ đồng, ông Quỳnh 10,1 tỷ đồng, ông Chung 600 triệu đồng, ông Tuyng 3,2 tỷ đồng. Toàn bộ tiền đã được các bị cáo nộp lại.
Phạm Dự - Thanh Lam