Chiều 29/10, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xét hỏi 11 trên 13 bị cáo có mặt trong vụ án sai phạm liên quan đấu thầu thiết bị tại 6 bệnh viện ở Bắc Ninh.
Ông Chiến bị cáo buộc nhận tiền của Công ty AIC suốt 6 năm liên tục, từ 2014 đến 2020, khi làm Chủ tịch UBND tỉnh (2011-2015) và khi làm Bí thư Tỉnh ủy (2015-2020). Trong đó, ông bị cáo buộc nhận hối lộ 4 tỷ đồng và nhận 10 tỷ đồng dưới dạng quà biếu. Lần nhiều nhất là ông Chiến nhận 3 tỷ đồng sau khi AIC trúng ba gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành, huyện Lương Tài và Gia Bình.
Tại phiên tòa chiều nay, cựu Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với các cáo buộc của cơ quan công tố. Trong 4 tỷ đồng, ông Chiến nhận 5 lần, tổng cộng một tỷ đồng, từ ông Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh (thuộc Sở Y tế).
"Có lần anh Tuynh cầm tiền lên phòng làm việc của tôi nói đây là tiền phần trăm ngoài hợp đồng từ các gói thầu của Công ty AIC và Sông Hồng. Nhưng bị cáo nói ngay nếu là tiền % thì anh cầm về, chia cho anh em. Nghe lời, anh Tuynh đã cầm tiền về", ông Chiến giải thích tại phiên tòa.
Dịp Tết, ông Tuynh lại cầm tiền lên "chúc mừng sinh nhật sếp và chúc lên chức". Ông Chiến không từ chối. Những năm sau đó, từ khi lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đều đặn lên đưa tiền cho ông Chiến. Các dịp thường là 2/9, Tết nguyên đán hoặc chúc mừng sinh nhật, chúc lên chức, chúc mừng mừng đi công tác nước ngoài. Có lần về hưu rồi, ông Chiến vẫn được bà Nhàn đến biếu tiền.
Ông khai "không biết đó là tiền trích từ các gói thầu". Sau này khi bị triệu tập, được công an giải thích, ông mới nhận ra. "Với Nhàn AIC, hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác, tôi chưa bao giờ thỏa thuận hoặc yêu cầu họ đưa tiền", ông Chiến nói và cho hay 14 ngày trước khi bị khởi tố, ông đã có đơn và nộp lại toàn bộ 14 tỷ đồng.
Chủ tọa Vũ Công Đồng (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh) nói việc nhận tiền ở đây là "ranh giới giữa biếu xén và nhận hối lộ". Ông Chiến đã nhận hối lộ, quà biếu bằng cả 1/5 tổng thiệt hại của vụ án.
"Như vậy, lấy tiền thiệt hại trừ đi các khoản tiền hối lộ, biếu xén sẽ là phần mà doanh nghiệp hưởng lợi. Số tiền rất lớn. Sai phạm xuất phát từ sự nhập nhằng của cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, thiệt hại ở đây không chỉ là tiền mà còn có thể dẫn đến chất lượng công trình, trang thiết bị không tốt", chủ tọa giải thích.
"Doanh nghiệp xin được vốn cho tỉnh, sẽ được trúng thầu"
Bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bị cáo buộc nhiều lần nhận hối lộ tại phòng làm việc. Từ năm 2015 đến 2017, ông 5 lần nhận tiền từ ông Tuynh tại phòng làm việc, mỗi lần 200 triệu đồng. Sau khi AIC trúng các gói thầu tại Bắc Ninh, ông Quỳnh 9 lần nhận tiền của bà Nhàn, tổng cộng 9,1 tỷ đồng. Hiện, ông Quỳnh đã nộp lại 10,1 tỷ đồng.
Trước bục khai báo, ông Quỳnh nói "chấp nhận các cáo buộc". Khi là Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông phụ trách văn xã chứ không chỉ đạo kinh tế, đầu tư. Nhưng khi Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Ban quản lý dự án báo cáo và nói rằng Chủ tịch Nguyễn Nhân Chiến đã đồng ý, ông mới chấp thuận cho AIC và Sông Hồng làm dự án.
"Thế có phải giai đoạn 2013-2015 cứ doanh nghiệp nào xin được vốn là trúng thầu phải không?", chủ tọa truy vấn.
Ông Quỳnh đáp: "Đây là thông lệ của lãnh đạo thời trước đặt ra, từ khoảng những năm 2006, nên cứ thế hệ sau vậy mà thực hiện theo". Thông lệ ở đây, theo ông Quỳnh, là được truyền đạt qua các cuộc họp, chứ không có văn bản.
Cựu Chủ tịch tỉnh không ý kiến về khoản tiền 2 tỷ đồng nhận hối lộ. Còn 8,1 tỷ đồng, ông nhận thức đây là các khoản tiền quà biếu. "Các dịp lễ, Tết, đại diện AIC thường đến biếu tiền nên tôi không phân biệt được là cái gì, chỉ biết đó là quà biếu. Ranh giới không rõ lắm", ông Quỳnh giải thích.
Trong gần 10 phút trả lời thẩm vấn, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung nhiều lần nói "ân hận và day dứt vì những gì đã làm". Khóc ngay trong phút khai báo đầu tiên, ông Chung nói về bối cảnh lúc đó, cho rằng Bắc Ninh rất khó khăn về vốn song lãnh đạo tỉnh lại giao Sở Y tế sớm hoàn thiện các dự án bệnh viện tuyến huyện.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện khắp cả nước chỉ xây xong vỏ mà không hoạt động được vì không có thiết bị, trong khi trung ương đang có chỉ thị rà soát lại các dự án bỏ không, lãng phí. Ông Chung "thấy sốt ruột, day dứt" nên cùng doanh nghiệp và lãnh đạo Ban quản lý dự án sang gặp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến.
Đứng trước tòa hôm nay, ông nói nhận thức được rõ hơn về trách nhiệm khi tham mưu của mình để xảy ra sai phạm.
Theo cáo trạng, ông Chung bị cáo buộc đã 4 lần nhận tổng cộng 600 triệu đồng. Trong đó, nhận 500 triệu đồng từ ông Tuynh, 100 triệu đồng từ AIC.
Chiều nay, ông Chung giải thích và "mong tòa hiểu hơn về bối cảnh lúc đó". Cụ thể, việc nhận 500 triệu đồng từ ông Tuynh diễn ra khi ông đang bàn giao công việc để đi Yên Phong làm Bí thư Huyện ủy. "Lúc đó công việc bộn bề, rối bời nên ông Tuynh đưa tiền bị cáo không nghĩ gì cả", ông Chung run giọng nói.
Ngoài ra, dịp tết sau đó, khi không còn nhiệm vụ gì ở Sở Y tế, AIC vẫn đến biếu 100 triệu đồng nên ông Chung cho rằng là nhận tiền đơn thuần, không liên quan đến các dự án.
"Bị cáo là thầy thuốc nhân dân, cả tỉnh có 1-2 người, thế mà vẫn để các vấn đề khác dẫn dắt mình? Bị cáo thấy có đáng không?", chủ tọa hỏi.
Ông Chung cúi đầu, nhỏ giọng nói "lúc nào cũng tâm huyết với ngành" nên chưa bao giờ nghĩ đến hậu quả xảy ra như vậy. Phần lỗi, theo ông, do thường tập trung chuyên môn và kiến thức quản lý chưa đầy đủ, còn nóng vội.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần xét hỏi của VKS và các luật sư. Dự kiến kéo dài 3 ngày "song có thể thay đổi tùy diễn biến", theo lời chủ tọa chiều nay.
Phạm Dự - Thanh Lam