Ngày 17/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hội chẩn bàn phương án tiếp tục điều trị bệnh nhân Trà My trước khi cho xuất viện. Đây là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được mổ bằng phương pháp Norwood - phẫu thuật phức tạp nhất trong phẫu thuật tim bẩm sinh.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Cái khó của ca mổ khi đó là chúng tôi chưa làm bao giờ. Hơn nữa, kỹ thuật mổ này được chỉ định làm ngay trong tháng đầu tiên, trong khi ở trường hợp bé Trà My đã qua giai đoạn lý tưởng, thậm chí là hơi quá muộn (2,5 tháng tuổi). Đặc biệt, do nằm viện lâu, ngoài tổn thương phổi và tim, bé còn bị nhiễm trùng, suy hô hấp...".
Lúc đó, tình trạng sức khỏe của bé rất yếu nhưng các bác sĩ vẫn quyết định mổ vì không thể chờ đợi hơn nữa. Càng để lâu sức khỏe của cháu càng xấu đi do tim bị suy. Ca đại phẫu hôm ấy kéo dài suốt từ 15h chiều cho đến tận 23h30 (hơn 8 tiếng). Sau đó, êkíp điều trị hồi sức cho bé phải theo dõi 24/24h.
Những ngày đầu sau mổ, tình trạng bệnh của Trà My nặng nhưng vẫn nằm trong diễn biến tiên lượng. Vào ngày thứ ba, ai cũng phấn khởi vì bé được rút ống nội khí quản, để tự thở. Tuy nhiên 6 giờ sau, sức khỏe bé xấu đi rất nhanh. "Các bác sĩ phải đặt lại ống, cho thở máy nhưng tình hình bé không tốt như trước khi cai máy thở", giáo sư Liêm cho biết.
"Đó là thời điểm hết sức khó khăn, có những lúc tưởng như không thể giữ được mạng sống cho cháu. Chỗ nối đưa máu từ động mạch chủ về động mạch phổi tắc không đạt yêu cầu, cần phải làm cái thứ hai. Chúng tôi phải thảo luận rất căng thẳng vì mổ lại có khả năng diễn biến xấu, sợ bục, rách mạch máu lớn, rất nguy hiểm", giáo sư Liêm nói.
23h đêm thứ ba sau mổ, các bác sĩ quyết định mở ngực lại, tránh chèn ép gây tắc thì tình hình sức khỏe bệnh nhân tốt lên. Đến lúc này lại nảy sinh vấn đề là đóng ngực như thế nào và đóng vào lúc nào. Đóng thì sẽ gây chèn ép, tắc, lại quay về lúc đầu mà cứ để ngực mở thì nguy cơ nhiễm trùng. Cuối cùng, bệnh viện chọn cách khâu ngực lại thành 2 giai đoạn, mỗi lần một nửa để trẻ thích nghi dần.
Sau gần 2 tháng với nhiều phen thập tử nhất sinh, cuối cùng bé Trà My cũng được xuất viện. Ảnh: Nam Phương. |
Theo các bác sĩ, bé còn trải qua 2 lần phẫu thuật nữa, song ca mổ khó khăn nhất cháu đã trải qua. Sau 2-3 tháng nữa bé sẽ được mổ lần hai và lần ba là sau 1-2 năm. Ca mổ có thể tiến hành tại Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc ở TP HCM. Trước đó, định kỳ mỗi tuần bé được tái khám một lần. Hiện bé được 4 tháng tuổi, sức khỏe tạm thời ổn định, nặng 3 kg. Ca mổ của bé hết khoảng 600 triệu đồng, trong đó phía bảo hiểm chi trả 470 triệu đồng.
Chị Trần Mỹ Hạnh, 35 tuổi, mẹ bé Trà My cho biết, cháu là con đầu lòng của gia đình. Hồi có bầu, chị cũng đi khám định kỳ nhưng không phát hiện dị tật, đến lúc sinh ra bé cũng hoàn toàn bình thường. Khi được 19 ngày tuổi thì cháu bị tiêu chảy, tím tái. Chị đưa con đến bệnh viện ở địa phương khám, sau đó bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM.
Tại đây, kết quả siêu âm cho thấy cháu bị tim bẩm sinh phức tạp. Thất trái có hai đường, nghĩa là cả 2 luồng máu đen từ tâm nhĩ phải và máu đỏ từ tâm nhĩ trái đều đổ vào tâm thất trái (bình thường tâm thất trái chỉ nhận máu đỏ từ tâm nhĩ trái), có chuyển vị trí 2 động mạch phổi và động mạch chủ cho nhau, quai động mạch chủ kém phát triển...
Tình trạng bệnh của cháu hết sức phức tạp. Một số tổ chức nhân đạo và gia đình đã có ý định chuyển cháu ra nước ngoài điều trị. Một bệnh viện ở Thái Lan cho biết chỉ có thể phẫu thuật can thiệp tối thiểu thay vì phẫu thuật triệt để. Việc đưa cháu đi Mỹ cũng không khả thi vì sức khỏe bé rất yếu, khó có thể vận chuyển trên máy bay qua một chặng dài, chi phí cũng rất lớn. Ngày 19/7 thì bé được đưa bằng máy bay ra Bệnh viện nhi Trung ương (Hà Nội).
"Tôi không biết nói gì để cảm ơn các bác sĩ vì đã chăm sóc cho cháu trong suốt thời gian qua. Hai tháng qua, có những lúc tưởng chừng như rất tuyệt vọng nhưng tôi tin tưởng các bác sĩ sẽ cố hết sức để cứu con. Hai mẹ con sẽ ở lại Hà Nội để tiện cho việc theo dõi và chăm sóc bé cho đến ca mổ lần hai", mẹ cháu bé chia sẻ.
Nam Phương