Sau bài viết Ngày iPhone mở bán, nhiều độc giả chia sẻ:
Giới tư bản đã nghiên cứu và nắm bắt rất kỹ tâm con người (ở đây là người tiêu dùng). Con người ta sẽ rất mau chán cái mà mình sở hữu được cho dù nó đang rất tốt và rất hiện đại, và muốn sở hữu cái mới hơn, thời thượng hơn. Không chỉ điện thoại mà tất cả các sản phẩm khác như xe máy, xe hơi, quần áo, công nghệ nghe nhìn... Chỉ khi chúng ta có ít tiền hoặc không có tiền thì thì phải chịu thôi Có rất nhiều người còn đi vay mượn để thỏa ước mơ mua sắm.
Tôi làm doanh nghiệp nhưng cũng chỉ có 5 bộ quần áo công sở, 2 bộ đồ thể thao mặc đi chơi, 2 đôi giày tây, 2 đôi giày thể thao. Sử dụng điện thoại cho tới khi hỏng thì mới thay. Tôi thấy rất lạ khi một số bạn trẻ (trong đó có cả nhân viên của tôi) có thu nhập bằng một phần rất nhỏ của tôi nhưng cứ xoay sở để đổi điện thoại đời mới nhất và mỗi lần lên đời như vậy tốn rất nhiều tiền.
Biết là nếu chúng ta làm ra nhiều tiền thì chúng ta được quyền sử dụng chúng nhưng bây giờ người ta đang bị trói buộc vào 2 chữ "đẳng cấp". Cô này mang giỏ giá 100 triệu đồng thì ngày mai cô kia phải mua giỏ 150 triệu. Anh này sắm xe 10 tỷ đồng thì ngày mai anh kia mua xe 20 tỷ.
Thật ra, thời trang không có lỗi vì đó là sự sáng tạo của con người mà ai đã thích thì luôn muốn được sở hữu. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng đúng mục đích và phù hợp với khả năng tài chính của mình và bên cạnh đó luôn có phương pháp để xử lý những đồ dùng không còn hợp lý, thì sẽ tạo nên niềm vui cho mình và cho chính những người khác. Nhưng còn "Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Hãy nghĩ đến những người nghèo khó, thậm chí là những bữa ăn mình còn đang thiếu, trước khi mua món đồ mới đắt tiền.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.