Vợ tôi, chắc cũng như nhiều phụ nữ hiện đại khác, thường đứng trước tủ quần áo khổng lồ của mình và than rất thực lòng rằng không có gì để mặc ngày mai cả.
Ngày nay mạng xã hội nghe được hết những gì bạn mong muốn, bạn chỉ cần lỡ tay tìm kiếm về cái gì trên google thì trong nháy mắt những thứ đó tràn ngập trên "news feed" của bạn. Vợ tôi, theo lệ thường, luôn có sẵn cả tá các nguồn cung thời trang phong phú trên mạng xã hội bao gồm từ giày, dép, quần áo, túi xách đến mỹ phẩm, đồ trang điểm. Chỉ cần một tin nhắn là hàng được chuyển đến tận nơi.
Mỗi lần thấy thứ gì đó hay và mới là nàng lại không cầm được lòng, vậy nên cái tủ quần áo có kích cỡ tăng chóng mặt. Nhưng với một thế giới như ta đang sống thì những gì bạn có ngày hôm nay thì mai đã trở nên lỗi thời.
Tôi vẫn đang hoàn toàn cảm thông với vợ mình. Chỉ có điều là tình hình trở nên hết sức rắc rối, dường như không có lối thoát giữa: mới và lỗi thời, mua và chán hoặc không dùng.
Marie Kondo là một chuyên gia về sắp xếp không gian sống của Nhật Bản, là nhân vật chính của loạt phim truyền hình thực tế rất nổi tiếng trên Netflix. Khách hàng của Marie: vợ chồng Kevin cưới nhau được 5 năm và có một bé gái 2 tuổi, một bé trai 4 tuổi. Cũng như tất cả các cặp vợ chồng có con nhỏ khác, gia đình Kevin là một mớ bòng bong, một thứ nhà kho lộn xộn, từ phòng khách, phòng ngủ đến phòng bếp.
Cuộc sống của Kevin và vợ căng thẳng vì không thể thu xếp việc nhà, việc con cái để tập trung vào việc cơ quan. Họ tranh luận, cãi vã, giận dỗi, chán nản, và không biết làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bi thảm ấy. Gia đình Kevin quyết định nhờ Kondo.
Kondo đến nhà của Kevin vào một ngày cuối tuần. Bếp đầy những bát đũa và nồi chưa kịp rửa, quần áo bẩn và sạch vứt đầy trên sàn phòng ngủ và trên giường, đồ chơi vung vãi trong phòng trẻ em, nhà kho đầy đồ trên cả giá kệ và sàn.
Điều đầu tiên Kondo đề nghị cặp vợ chồng là ngồi yên, nhắm mắt lại, tĩnh lặng và nghĩ về ngôi nhà yêu thương của mình. Sau giây phút tĩnh lặng, vợ Kevin ngân ngấn nước mắt nói chúng tôi chưa bao giờ làm vậy cả, chúng tôi chỉ chạy loanh quanh, bực bội, tranh luận và tranh luận tối ngày thôi.
Sau đó Kondo yêu cầu vợ chồng Kevin đổ hết quần áo của họ ra giữa nhà thành 2 đống, một đống của vợ và một đống của Kevin. Như lệ thường, đống của vợ Kevin cao có lẽ gấp 5 lần đống quần áo của Kevin. Vợ Kevin nói, thật xấu hổ nhưng không mua như thế thì tôi chả có gì để mặc.
Kondo cười, nhắc vợ Kevin nhấc một món đồ lên và hỏi, bạn có yêu nó không, món này có đặc biệt với bạn không, nó có đem lại niềm vui cho bạn khi mang nó không, nó có làm bạn thật cá tính, đúng phong cách của bạn và làm bạn hài lòng không? Nếu có, bạn giữ nó lại, nếu không hãy đặt nó sang một bên, thật nhẹ nhàng và nói, quần áo ơi cảm ơn bạn nhé.
Nếu còn phân vân Kondo sẽ hỏi thêm, lần cuối bạn vận nó khi nào, trong năm qua bao nhiêu lần bạn mang nó. Sau một chốc, đống đồ của người vợ chỉ còn 1/3, của chồng chỉ còn một nửa. Số quần áo dôi ra Kondo gợi ý họ bán thanh lý hay mang cho từ thiện. Tương tự vậy, họ giải quyết bếp và kho.
Trên thực tế chúng ta mua rất nhiều những thứ chúng ta nghĩ chúng ta cần nhưng thực ra không hề. Quần áo ngày nay chúng ta thay nó khi nó hết giá trị xã hội chứ không phải là do nó hết giá trị sử dụng, một sự lãng phí lớn đang đè nặng lên cuộc sống chúng ta.
Nguyên nhân là chúng ta bị mua một cách cưỡng bức, mua những thứ ta không cần. Không ai khác chính marketing và quảng cáo là thủ phạm làm vẩn đục môi trường sống của chúng ta.
Mặc dù là một kẻ làm marketing lâu năm nhưng đôi khi tôi cũng phải thú nhận rằng những cái người ta đang ra rả ở ngoài kia về đẳng cấp sống, phong cách sống đa số chỉ là những điều nhảm nhí.
Bạn lao vào mua những đôi giày người ta gọi là mốt mới, những bộ cánh người ta cho là thời thượng, những thứ đồ chơi công nghệ đắt tiền, bạn bỏ xó những đôi giày gần như mới tinh, chất đống trong tủ những bộ cánh chỉ mặc đôi lần vì người ta cho rằng chúng lỗi mốt, bạn xếp hàng và trả giá cao phi lý để có iPhone đời mới nhất... Những điều đó là vô nghĩa.
Có một dự án nổi tiếng thế giới mang tên Project 333. Courney là một phụ nữ năng động, cô làm việc tại một văn phòng công ty, nơi đòi hỏi cô phải giao tiếp nhiều. Chán ngán với việc phải chạy theo mốt thời trang, Courney soạn ra 33 món đồ tâm đắc nhất của mình mặc và đeo chúng thay đổi trong 3 tháng. Thực tế là không ai đã nhận ra là Courney chỉ mang có 33 món đồ lặp đi, lặp lại trong khoảng thời gian ấy và ai cũng nghĩ Courney đang mặc cả một tủ đồ lớn. Từ đó Courney thách đố những người bạn khác cùng làm như mình và nó đã lan ra thành cả một phong trào, sống nhiều hơn với ít đồ quanh bạn hơn.
Chỉ sau 1 tháng, cuộc sống của vợ chồng Kevin cũng thay đổi hoàn toàn, từ bếp đến kho và phòng ngủ, đặc biệt từ khi họ biến việc gấp quần áo mỗi tối thành một việc vui vẻ cùng hai bé. Ngôi nhà thật gọn gàng, họ yêu thương nhau hơn và cuộc sống đáng sống hơn.
Cũng theo nguyên tắc này, vợ chồng tôi bắt đầu lọc các đồ dùng của mình, điều ngạc nhiên là phần không dùng đến của tôi nhiều chẳng kém gì của vợ, chúng không chỉ là quần áo mà còn là sách vở, tạp chí, dụng cụ, đồ công nghệ nữa. Chúng tôi chia sẻ toàn bộ số đồ dùng đó cho các anh em, bạn bè và người thân trong gia đình. Căn nhà tự nhiên rộng ra có đến mươi thước vuông.
Sau đó mỗi lần mua đồ chúng tôi đều cân nhắc xem có thật sự cần thiết hay thật sự làm cuộc sống chúng tôi vui, ý nghĩa và trong khả năng chi trả bình thường của mình không. Cũng có lúc chúng tôi mua một món đồ nào đó giá trị, nhưng đảm bảo nó thật tốt và dùng rất lâu dài.
Hãy sống tối giản. Chúng ta luôn hỏi sao lương mãi không đủ sống, chi phí ngày càng đắt đỏ, thời gian làm thêm giờ, kiếm thêm tiền làm ta quá mệt mỏi trong khi mỗi tối ta hay vợ đứng trước tủ đầy quần áo của mình và than mai không biết mặc gì, nhìn ra xung quanh bạn bè lên đời điện thoại cả rồi còn mình thì chưa, thì cuộc đua của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Nhưng ngay khi nhu cầu của ta giảm xuống thì cuộc đời lại dễ dàng hơn và thênh thang hơn ngay trước mặt.
Phạm Vũ Tùng