Gần đây, giới quan sát quân sự trên thế giới hướng sự chú ý của mình vào hai "ngôi sao" trong làng máy bay chiến đấu, đó là tiêm kích thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 của Nga và tiêm kích đa nhiệm F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, Nga còn sở hữu một loại vũ khí nữa, dù nhỏ và ít tên tuổi hơn nhưng cũng đáng gờm không kém, đó là cường kích Yak-130, loại máy bay đang chứng tỏ được vai trò của mình như một tiêm kích đa nhiệm, National Interest cho hay.
Được giới tình báo phương Tây gọi bằng cái tên "Mitten", Yak-130 là loại máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi được trang bị động cơ phản lực kép do Tập đoàn Sản xuất máy bay Irkut Nga chế tạo. Yak-130 có giá khoảng 15 triệu USD, trong khi tiêm kích F-16 của Mỹ hiện có giá khoảng 47 triệu USD.
Trong lĩnh vực huấn luyện phi công quân sự, Yak-130 được coi là lựa chọn hàng đầu của không quân các nước, nhờ ưu thế giá rẻ so với các mẫu tiêm kích huấn luyện khác. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, trong trường hợp cần thiết, Yak-130 có thể thực hiện các sứ mệnh tấn công hạng nhẹ và trinh sát, điều mà chỉ có các tiêm kích đa nhiệm tân tiến hiện nay mới làm được.
"Yak-130 là loại máy bay huấn luyện-chiến đấu có thể tác chiến trong loại hình chiến tranh chống nổi dậy như những gì không quân Mỹ đang làm ở Afghanistan, Iraq và Syria. Nhỏ và linh hoạt nhưng lại có khả năng tấn công mạnh mẽ, Yak-130 cũng rất hữu dụng trong chiến tranh phi đối xứng", chuyên gia phân tích quốc phòng Thomas Newdick nhận định.
Đó là lý do mà nhiều nước trên thế giới như Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Mông Cổ, Myanmar, Nicaragua… đã đặt mua Yak-130 của Nga để trang bị cho lực lượng không quân của mình.
"Ngoài vai trò huấn luyện, Yak-130 được nhiều nước quan tâm vì khả năng tác chiến hạng nhẹ và chiến đấu chống nổi dậy của nó", ông Newdick viết.
Dưới mỗi bên cánh của Yak-130 có ba mấu treo, có nghĩa là chiếc máy bay hạng nhẹ này có thể mang theo ba tấn tên lửa không đối không, không đối đất, bom dẫn đường chính xác, bom rơi tự do, rocket, giá treo súng và thùng dầu phụ.
Ngoài ra, ở hai đầu cánh của nó cũng có thể gắn thêm tên lửa không đối không hoặc mồi pháo sáng để đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt của đối phương. Phía dưới bụng, chiếc máy bay "tí hon" này có thể gắn thêm khẩu pháo 23 ly có uy lực rất lớn trong cận chiến yểm trợ bộ binh.
Những hình ảnh được rò rỉ gần đây trên các diễn đàn quân sự cho thấy Yak-130 đang dần được cải tiến thành một loại máy bay chiến đấu. Trong những hình ảnh này, một chiếc Yak-130 mang màu sơn ngụy trang của quân đội Nga có phần mũi gồ lên, chứng tỏ nó có thể được trang bị hệ thống định tầm laser LD-130 và camera độ phân giải cao để xác định mục tiêu, nâng cao độ chính xác của các loại vũ khí.
Trong tương lai, loại máy bay này có thể được trang bị khả năng tiếp dầu trên không để gia tăng phạm vi thực hiện nhiệm vụ tấn công của nó. Khi được trang bị đầy đủ vũ khí và nhiên liệu, Yak-130 chỉ có trọng lượng khoảng 10,2 tấn, chỉ bằng một nửa so với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, loại tiêm kích đa nhiệm vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ và đồng minh.
Khi được gắn hai quả bom 226 kg, một giá súng và hai thùng dầu phụ, Yak-130 có bán kính hoạt động tối đa là 367 hải lý. Đây là một khả năng hoạt động rất đáng kể nếu so với tiêm kích F-16, loại chiến đấu cơ có thể mang theo hai quả bom 907 kg, hai tên lửa AIM-9 Sidewinder và hai thùng dầu phụ nhưng chỉ bay được trong phạm vi 740 hải lý.
Những đặc tính này của Yak-130 rất phù hợp với các nước có lực lượng không quân và ngân sách quốc phòng không quá lớn. Với chi phí rẻ hơn rất nhiều, Yak-130 vẫn có thể thực hiện được những nhiệm vụ vốn dành cho tiêm kích đa nhiệm.
Một biến thể khác của Yak-130 là máy bay M-346 Master, loại máy bay huấn luyện sẽ được các phi công quân sự ở Italy và Israel sử dụng để học cách bay chiếc tiêm kích tối tân F-35 của Mỹ. Mẫu máy bay này cũng sẽ sớm thay thế các máy bay huấn luyện đã cũ kỹ của Mỹ trong tương lai gần, Sputnik cho biết.
Yak-130 được bay thử lần đầu tiên vào năm 1996 và được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2000. Bộ Quốc phòng Nga đã sắm gần 70 máy bay Yak-130 và đặt hàng tiếp 150 chiếc nữa từ nay đến năm 2020.
Trí Dũng