RIMPAC được tổ chức tại vùng biển quanh quần đảo Hawaii ngày 27/7-1/8, với sự tham gia của 40 tàu mặt nước, ba tàu ngầm, hơn 150 máy bay và 25.000 quân nhân tới từ 29 quốc gia.
Không quân Mỹ tuần trước đăng video Không đoàn Tác chiến Đặc biệt số 27 nước này tham gia nội dung diễn tập đánh chìm tàu (SINKEX) tại RIMPAC, trong đó chiến hạm đã loại biên USS Dubuque được sử dụng làm mục tiêu giả định, còn cường kích AC-130J là phương tiện tấn công.
Chiếc phi cơ được trang bị pháo 30 mm, 105 mm và các loại đạn dẫn đường chính xác tầm xa, theo không quân Mỹ.
Video cho thấy cường kích AC-130J liên tục nã pháo từ trên cao, nhằm vào các bộ phận quan trọng trong cấu trúc tàu, bao gồm kết cấu bên trên và phần mũi. Con tàu rung chuyển sau mỗi lần trúng đạn, kèm với đó là những cột khói đen bốc lên cao.
Ngoài không quân Mỹ, một số lực lượng khác cũng tham gia đánh chìm tàu USS Dubuque. Trực thăng AH-64 Apache của lục quân Mỹ đã phóng ít nhất một tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire, trong khi Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng khai hỏa nhằm vào con tàu. Khoa mục này kéo dài trong hai ngày, theo lục quân Mỹ.
AC-130J "Ghostrider" là biến thể cường kích được phát triển trên nền tảng vận tải cơ đa năng MC-130J Super Hercules. Nó có vận tốc 670 km/h, trần bay 8,5 km, tầm hoạt động 4.800 km, giá thành 165 triệu USD mỗi chiếc.
Máy bay được trang bị một pháo cỡ nòng 105 mm và một pháo GAU-23/A cỡ 30 mm, thay thế cho pháo Bofors 40 mm và pháo nòng xoay 20 mm trên các phiên bản trước, bên cạnh các loại vũ khí dẫn đường như bom đường kính nhỏ GBU-39, bom lượn cỡ nhỏ GBU-69, tên lửa AGM-114 Hellfire và AGM-176 Griffin.
"Nội dung SINKEX cho thấy rõ năng lực của phi cơ AC-130J và những tác động mà nó cùng phi hành đoàn có thể mang lại trên mặt trận trên biển", đại úy Jackie Pienkowski, phát ngôn viên Không đoàn 27, cho biết.
Bà thêm rằng AC-130J là khí tài nổi bật ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi xét trên góc độ tác chiến.
"Các điểm tiếp tế và căn cứ cố định tại khu vực này cách xa nhau, song AC-130J vẫn có thể di chuyển giữa những khu vực tác chiến một cách hiệu quả nhờ sở hữu năng lực tiếp liệu trên không, cho phép nó kéo dài thời gian bay", Pienkowski nói.
Sau khi được biên chế vào năm 1967, chiến hạm USS Dubuque đã nhiều lần được triển khai ra nước ngoài, bao gồm tới Vịnh Ba Tư để tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Nó bị loại biên vào năm 2011.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Task and Purpose)