Lúc 18h ngày 27/10, tâm bão Molave còn cách Đà Nẵng khoảng 520 km, Quảng Nam 445 km, Quảng Ngãi 410 km, cách Phú Yên 330 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão 150-165 km/h (cấp 14), giật cấp 17.
Đêm nay, bão Molave di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25 km/h, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 16h ngày 28/10, tâm bão trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bắc Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8), giật cấp 10. Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 25 km/h, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.
Đến cuối giờ chiều nay, các mô hình dự báo của nước ngoài đều thống nhất khu vực đổ bộ tập trung vào Quảng Ngãi - Bình Định. Khi vào bờ, bão sẽ giảm cường độ nhưng không nhiều. Thời gian gió mạnh ảnh hưởng trực tiếp bắt đầu trong tối nay và ngày 28/10.
Đài Nhật Bản dự báo bão cực đại cấp 14 tối nay, gió mạnh trên đất liền cấp 13 (149 km/h), giật cấp 15-16. Đài Philippines cho biết bão mạnh cấp 12 (133 km/h) gây lũ lụt trên diện rộng, nhà cấp 4 kết cấu kém bị phá hủy. Dự báo bão vào Việt Nam tương đương cấp đổ bộ ở Philippines, mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Còn theo trang Tropical Storm Risk (ĐH London, Anh), bão Molave đã đạt tốc độ gió cuồng phong cấp 3 (Typhoon CAT 3 theo thang đo bão của Mỹ) - 185 km/h. Đến 13h ngày 28/10, tâm bão trên đất liền Quảng Ngãi, Quảng Nam với sức gió mạnh nhất 129 km/h, vẫn là cuồng phong cấp 1.
Hải quân Mỹ dự báo, 13h ngày 28/10, tâm bão trên đất liền Quảng Ngãi, Quảng Nam với sức gió mạnh nhất 129 km/h, giật 157 km/h. Sau đó bão đi sâu vào các tỉnh Tây Nguyên với gió mạnh tối đa 75 km/h, giật 92 km/h.
Tại cuộc họp khẩn về công tác dự báo bão Molave chiều nay tại Hà Nội, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khi bão vào bờ sức gió sẽ mạnh trên cấp 12 - là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua.
Cơ quan khí tượng nhận định, vùng ảnh hưởng chính của bão sẽ từ Quảng Ngãi đến Bình Định, bán kính 50 km từ tâm bão sẽ chịu sức gió mạnh nhất, bán kính 150 km (đến Đà Nẵng) sẽ có gió mạnh.
Theo ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vùng biển bão đi qua rất sâu và hầu như không có vật cản nên sóng suy giảm thấp. "Độ cao sóng 6-8 m, có sức tàn phá kinh khủng đến đê kè ven biển", ông Thủy nói và dự báo nguy cơ nước dâng 1,5 m ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Bão còn xa hơn 300 km nhưng khoảng 22h hôm nay, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi, cách đất liền gần 30 km) gió bắt đầu mạnh dần, kèm theo mưa lớn. Những con sóng biển cao hơn 4 m liên tục dội vào bờ.
Trên đất liền, từ chiều tối trên địa bàn Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định... trời đổ mưa, gió nhẹ. Phần lớn người dân ở trong nhà hoặc khu tập trung, hiếm người ra đường. Đường phố vắng vẻ.
Tại Quy Nhơn, sóng biển trên bãi tắm ở trung tâm thành phố đánh mạnh, có lúc cao hơn 2 m. Ở làng chài xã Nhơn Hải, mưa kèm gió rít, người dân ở trong nhà, đóng kín cửa. Những người nhà gần mặt biển không đảm bảo an toàn, xin tá túc tạm ở các ngôi nhà xây kiên cố sau xóm. "Phải dời vô, chứ bão tới, nhà sập, tránh không kịp", ông Nguyễn Sáu, người dân địa phương nói.
Theo cơ quan dự báo trong nước, từ đêm nay đến ngày 29/10, từ Huế đến Phú Yên, Nghệ An - Hà Tĩnh mưa lên tới 500-700 mm. Lũ trên thượng nguồn các sông Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi hầu hết lên mức báo động hai, báo động ba, nhiều sông trên báo động ba.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hầu hết hồ chứa vừa và nhỏ ở Trung Bộ đã đầy nước. Các hồ chính trên sông Hương, sông Vu Gia đã đưa về mực nước trước lũ.
"Có 80 điểm sạt lở từ đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục, 70 hồ chứa đã bị sự cố, 70 hồ khác đang thi công gây nguy cơ mất an toàn đập", ông Long nói và lưu ý Quảng Nam có nhiều mỏ khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Bão Molave hình thành sau bão Saude, hôm 25/10 ở phía Đông Nam thủ đô Manila. Sau khi quét qua Philippines, gây mưa lớn và gió giật khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán, bão tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông. Trước sức mạnh của bão, gần nửa triệu dân các tỉnh miền Trung Việt Nam đã sơ tán.
Hữu Nguyên - Gia Chính - Việt Quốc - Phạm Linh - Đắc Thành - Xuân Ngọc - Phước Tuấn - Nguyễn Đông - Hoàng Phương - Thanh Lam