VNExpress

Thứ sáu, 22/11/2024
Chọn địa danh

Bắt chuyến xe lên Nậm Cang tối thứ 6, nghỉ đêm ở nhà sàn bên suối và trekking ruộng bậc thang bắt đầu chín vàng, có thể những muộn phiền trong bạn sẽ tan biến.

Khi Hà Nội đang giữa đợt nắng nóng kéo dài vào tháng 7, nhóm chúng tôi xách balo đón xe đến xã Nậm Cang - cái tên vẫn còn xa lạ với nhiều người dù nơi này chỉ cách trung tâm Sa Pa khoảng 30 km. Theo tiếng địa phương, Nậm Cang có nghĩa là nước đầu nguồn. Nơi đây cũng là khởi nguồn của 3 con suối lớn Nậm Cang, Nậm Pá và Nậm Thang nằm sâu trong Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Là phần đất cuối cùng phía đông nam của huyện Sa Pa nên nhịp sống ở những bản làng nơi đây có phần trầm lắng và bình yên hơn. Nậm Cang gần như biệt lập bởi đường sá xa xôi, gập ghềnh, dù cách phố núi không xa nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ.

Sau khoảng 5 tiếng di chuyển buổi sáng, cả nhóm xuống xe đi bộ vào một nhà sàn trong bản của người Dao Đỏ. Thay vì tiếng "hello" í ới và những bước chân chạy theo khách như ở Sa Pa, lũ trẻ Nậm Cang đón chúng tôi bằng những nụ cười giòn tan trên đường đi học về, chúng vừa vui đùa vừa thẹn thùng nghịch nước bên suối. Từ xa chỉ nghe tiếng suối reo róc rách lẫn với tiếng trẻ nô đùa, chúng tôi đã thấy tan hết mệt nhọc sau chặng đường dài. Dừng chân nơi cuối bản, chúng tôi ở Topas Riverside Lodge, ngôi nhà sàn biệt lập nằm cạnh con suối lớn mà ai tới cũng phải bước qua cây cầu treo lắc lư.

Ăn bữa no nê với toàn sản vật núi rừng rồi nghỉ trưa một chút, chúng tôi đi bộ thăm bản làng, khám phá cuộc sống của những người Dao Đỏ nơi thung lũng. Buổi chiều, nhóm đi thăm một số nhà dân, tìm hiểu về nghề thêu thùa, chạm bạc, làm giấy tre và thảo dược truyền thống nổi tiếng của người Dao Đỏ.

Con đường mòn len lỏi qua các nhà dân nằm giữa rừng sâu đưa chúng tôi từ thú vị này tới ngạc nhiên khác. Càng tìm hiểu càng thấy cuộc sống nơi đây thật yên bình: phụ nữ ngày ngày dệt vải, thêu thùa, hoặc lên rừng hái lá thuốc; đàn ông làm nghề chạm bạc, làm nương; trẻ em nghỉ học sẽ rong chơi ở những con suối lớn nhỏ hay chăn trâu, bò, phụ việc gia đình thay vì bán hàng rong.

Kết thúc ngày đầu tiên ở Nậm Cang khá nhẹ nhàng, nhưng ngày kế tiếp thực sự là thách thức với mọi người khi 4h30 sáng chúng tôi đã thức giấc và lên đường trekking.

Trời mới tờ mờ, khi tiếng gà gáy vang từ trong bản, mọi người thức giấc soạn đồ gọn nhẹ và đồ ăn sáng xong là sẵn sàng cho 8 km đường rừng. Hôm đó chúng tôi trekking từ nhà nghỉ đi dọc con đường mòn men suối lớn, đi qua những thửa ruộng bậc thang nằm giữa các thung lũng. Tiếng suối, thác, tiếng côn trùng, tiếng lá rừng trong gió sớm... hòa quyện. Cảm giác được đi giữa những thanh âm trong trẻo của núi non Tây Bắc làm mọi người như lạc vào chốn hư ảo.

Khung cảnh hai bên đường yên bình và đẹp ngỡ ngàng. Điểm dừng nghỉ ngơi đầu tiên của cả nhóm là lán nhỏ ven đường, có lối đi qua cây cầu cheo leo. Cầu bắc qua suối lớn nước chảy rất xiết, va đập vào những phiến đá khổng lồ tạo bọt tung trắng xóa. Đối diện cầu là những tảng đá lớn khô ráo và rộng có thể làm nơi nghỉ chân, dã ngoại hoặc tập yoga khởi động toàn bộ cơ thể chuẩn bị cho chặng tiếp theo.

Sau chục phút nghỉ, hướng dẫn viên tiếp tục dẫn đường đưa mọi người vào sâu trong rừng rậm. Con đường lúc lên lúc xuống và lối mòn nhỏ dần chỉ vừa một người đi, nhiều đoạn đất đá gập ghềnh, suối chảy mạnh trôi cả đá hoặc sình lầy rất dễ trượt chân. Cảnh vật bên đường thay đổi liên tục, nếu chặng đầu còn nhìn thấy nhà dân ẩn hiện trên sườn núi kế bên, chặng giữa chỉ có suối, thác và núi cao phủ kín những mảng xanh bao quanh, thì chặng cuối là rừng và đá tảng. Rừng cây cổ thụ cao vút bao trùm bầu trời khiến đoạn cuối hiếm khi chúng tôi thấy ánh mặt trời lọt xuống.

Cuối tuần trekking ở Nậm Cang
 
 
Một đoạn đường trekking ở Nậm Cang. Video: Minh Khương, Hương Chi

Khác với những con đường mòn hai bên bạt ngàn ruộng bậc thang ở Lao Chải, Tả Van, trekking Nậm Cang đem tới cho mọi người cảm giác lạ theo từng bước chân. Ở Nậm Cang hiếm có khách kỳ công tìm vào tận nơi nên chúng tôi đích thực là những người lạ duy nhất vào rừng. Đường trekking 8 km không quá dài nhưng cũng đầy thách thức, bởi chỉ sẩy chân một chút là bạn có thể trượt ngã bất cứ lúc nào. Nhưng những trở ngại trên đường đi không làm ai nản lòng, bởi cảnh sắc rừng núi xanh mát và không gian trong lành bao trùm lên tất cả.

Cuối con đường, chúng tôi được nằm nghỉ ở những tảng đá phẳng, nghe tiếng suối chảy ầm ào ngay trước mặt, cởi giày dép và ăn uống tiếp sức trước khi trở về bản. Sau hơn 6 tiếng buổi sáng vừa trekking vừa dừng nghỉ, dù mệt nhưng không ai để tâm, bởi được chìm đắm trong không gian bao la, hít hà bầu không khí trong lành hiếm có.

Buổi trưa về nhà sàn bên suối, chúng tôi được chiêu đãi bữa cơm với rất nhiều món thịt và rau củ sạch do người dân trồng ngay trong vùng. Nghỉ trưa khoảng 2 tiếng, cả nhóm mượn xe máy tranh thủ chiều cuối cùng ở Nậm Cang để ngắm những thửa ruộng bậc thang chuẩn bị chín. Cung đường quanh co lên xuống nhiều dốc nhưng rất đẹp, chốc chốc lại gặp những chòi canh của dân nằm giữa ruộng lúa. Khác với ruộng bậc thang rộng mênh mông của Tả Van, Lao Chải, ở Nậm Cang lúa nằm xen lẫn đá tai mèo, nhưng vẫn tạo nên bức tranh thiên nhiên cuốn hút.

Từ khu ruộng bậc thang về nhà sàn, chúng tôi đi qua trung tâm xã có vài quán nhậu, bên cạnh các hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Trời còn sáng và cả nhóm gọi vài món vặt, nhâm nhi ly rượu bản và trò chuyện với dân địa phương. Họ nhiệt thành, vui vẻ giới thiệu bản thân rồi chia sẻ chuyện công việc, gia đình. Xã nhỏ, ít dân với cuộc sống gắn bó nên mọi người biết nhau, khiến những khách đường xa như chúng tôi thấy thật thân quen và được chào đón như người nhà.

Tối đó chúng tôi thưởng thức món lẩu cá hồi đặc sản kèm rau, nấm no nê. Bữa tối ấm cúng kết thúc chuyến đi cuối tuần đáng nhớ cho chúng tôi những giờ phút cuối được hàn huyên thật lâu trước khi chia tay về lại Hà Nội, kết thúc hành trình cuối tuần ở Nậm Cang.

Hương Chi

Ảnh: Hương Chi, Minh Khương, Gôn Râu