VNExpress

Chủ nhật, 6/10/2024
Chọn địa danh
Thứ năm, 16/7/2020, 02:08 (GMT+7)

Trốn phố về rừng ở Nậm Cang

Lào CaiSở hữu ruộng bậc thang đẹp không kém thung lũng Mường Hoa, xã Nậm Cang là điểm đến hiếm hoi ở Sa Pa chưa nhiều du khách biết tới.

Xã Nậm Cang cách thị trấn Sa Pa khoảng 30 km, sở hữu nhiều khu ruộng bậc thang, suối, thác, rừng rậm với thảm thực vật phong phú nhờ vị trí nằm ngay trong Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Theo tiếng địa phương, Nậm Cang có nghĩa là nước ở đầu nguồn. Nơi đây cũng là khởi nguồn của 3 con suối lớn Nậm Cang, Nậm Pá và Nậm Thang, vừa cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vừa là nước tưới cho các cánh đồng tươi tốt quanh năm. Ảnh: Hương Chi.

Thiên nhiên hùng vĩ là một trong những nét hấp dẫn du khách đến với Nậm Cang. Trên chặng trekking khám phá núi rừng, theo tuyến đường nằm dọc suối lớn, du khách có cơ hội thử thách bản thân với cầu treo gỗ nguy hiểm. Người đi phải thật cẩn thận từng bước khi bên dưới cầu treo là dòng suối lớn chảy xiết và dốc, nước suối chảy va đập qua những phiến đá khổng lồ tạo bọt trắng xóa. Nhưng những trở ngại trên đường trekking không làm du khách nản lòng bởi cảnh sắc rừng núi xanh mát luôn bao trùm. Ảnh: Hương Chi.

Du khách đến đây nên dành một ngày trekking, khám phá các dòng suối lớn, tận hưởng không khí trong lành, xanh mát bên trong những cánh rừng rậm rạp và chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Hãy chuẩn bị cho mình một đôi giày chắc chắn, trang phục thoáng mát và thuốc xịt chống côn trùng để trải nghiệm một ngày bên trong Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Ảnh: Hương Chi.

Nậm Cang là vùng thung lũng, cũng là phần cuối cùng ở đông nam của huyện Sa Pa nên cuộc sống nơi đây diễn ra có phần khép kín và bình lặng. Không nổi tiếng như các xã làm du lịch từ sớm và gần trung tâm Sa Pa như Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn nên Nậm Cang vẫn là cái tên mới mẻ với du khách. Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch địa phương, Nậm Cang đang bắt đầu gây ấn tượng và níu chân được du khách nhờ thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc 2 dân tộc Mông, Dao độc đáo. Ảnh: Minh Khương.

Người dân nơi đây biết tận dụng vẻ đẹp thơ mộng từ những con suối uốn lượn quanh bản làng để bắt tay xây dựng các điểm lưu trú tại gia như homestay. Du khách ở Nậm Cang ngoài khám phá thiên nhiên sẽ được ăn, ngủ, tìm hiểu về đời sống các dân tộc Mông, Dao từ phong tục tập quán tới những nghề truyền thống của họ. Ảnh: Minh Khương.

Chiều tới dù ngày nắng hay ngày mát những đứa trẻ trong bản lại kéo nhau ra suối tắm như một thói quen. Những con suối lớn nhỏ không chỉ là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày mà còn là chốn vui chơi của trẻ em, là nơi dừng chân nghỉ giải lao của người làm ruộng, nương hay du khách trên đường trekking. Ảnh: Hương Chi.

Nhắc đến ruộng bậc thang Sa Pa, nhiều người nghĩ ngay đến thung lũng Mường Hoa hay Tả Phìn. Tuy nhiên, Sa Pa còn có rất nhiều khu ruộng bậc thang đẹp ngây ngất nằm ở những xã ít người biết, trong đó có khu vực Nậm Cang.

Ruộng bậc thang Nậm Cang không mênh mông như ở Tả Van, Lao Chải, mà là những thung lũng hẹp xen lẫn đá tai mèo nhưng vẫn tạo nên một bức tranh yên bình và thơ mộng. Lác đác trên các cung đường ven ruộng bậc thang du khách lại bắt gặp lán nghỉ hay lều canh lúa của người dân. Ảnh: Hương Chi.

Tháng 7, 8 là mùa lúa ở Nậm Cang bắt đầu lên đòng và chín vàng. Cộng thêm tiết trời mát mẻ, luôn ở mức 20 - 25 độ C nên khoảng thời gian này rất thích hợp để du khách "trốn phố về rừng". Ảnh: Minh Khương.

Do chưa có nhiều điểm lưu trú, người dân cũng chủ yếu trồng và tự cung tự cấp nên hàng quán ở các bản tại Nậm Cang khá ít. Du khách tới đây nên đặt bữa ăn trước tại các điểm lưu trú để được phục vụ tốt hơn. Trên hình là một bữa tối tươi ngon bao gồm đặc sản sashimi cá hồi, lẩu gà và rất nhiều loại rau nấm địa phương tại Topas Riverside Lodge. Ảnh: Hương Chi.

Trốn phố về rừng ở Nậm Cang
 
 

Khung cảnh thơ mộng của ruộng bậc thang đầu tháng 7 vừa qua ở Nậm Cang nhìn từ trên cao. Sang tháng 8 du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng mùa vàng đẹp mê mải không hề kém cạnh với những nơi khác ở Tây Bắc. Video: Minh Khương.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net