Khi kết nối, khách hàng có thể đến máy ATM của Ngân hàng Đông Á để rút tiền từ tài khoản mở tại Ngân hàng Công thương. |
"Đầu tuần sau, chúng tôi mới nhận được con dấu và tiến hành bố cáo thành lập doanh nghiệp. Đại hội cổ đông cũng sẽ được tổ chức sớm trong tuần sau để thông qua một số quyết nghị quan trọng. Một công việc không kém phần quan trọng khác là tuyển dụng nhân sự, thuê tư vấn. Hiện chúng tôi mới vỏn vẹn có 7 nhân viên", bà Nguyệt trăn trở.
Bà Nguyệt cho biết, công ty sẽ ra mắt vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, với thương hiệu VNSWITCH, thay vì tên gọi BankNet ban đầu. Tổng vốn điều lệ của VNSWITCH sẽ vào khoảng 94,5 tỷ đồng do 8 đơn vị thành viên đóng góp. Trong lần cấp phép trước, VNSWITCH có 9 thành viên tham gia với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Mục tiêu ban đầu của VNSWITCH là kết nối thành công hệ thống thanh toán tự động của các ngân hàng cổ đông và sau này sẽ mở rộng với bất cứ nhà băng nào muốn tham gia. Với mối liên kết này, khách hàng sử dụng dịch vụ ATM có thể thực hiện giao dịch tại bất cứ máy nào của các ngân hàng trong liên kết. Giao dịch đó có thể là cùng hệ thống (ví dụ dùng thẻ ATM do ngân hàng A phát hành và giao dịch tại máy của chính ngân hàng A) hoặc khác hệ thống (dùng thẻ ATM của ngân hàng A để giao dịch tại máy ATM của bất cứ ngân hàng nào trong liên kết). Thời gian đầu, cả 2 giao dịch trên đều được miễn phí. Bước vào giai đoạn kinh doanh, VNSWITCH sẽ thu phí đối với những giao dịch khác hệ thống. Khoản phí đó sẽ chia cho ngân hàng phát hành thẻ, ngân hàng chấp nhận thẻ và đơn vị thanh toán theo một tỷ lệ nhất định.
"Cái khó nhất là hệ thống ứng dụng của các ngân hàng hiện chưa theo một chuẩn chung. Ngoại trừ 3 ngân hàng quốc doanh Công thương, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gần hoàn thiện dự án nâng cấp theo chuẩn của World Bank, nhiều ngân hàng cổ phần vẫn chưa đáp ứng chuẩn mực chung", bà băn khoăn. Tuy nhiên, VNSWITCH có kế hoạch sẽ hỗ trợ về công nghệ để các ngân hàng tham gia có thể nâng cấp hệ thống ứng dụng của mình. Một phương án khác cũng được đưa ra là tạo một bước chuyển đổi trung gian giữa ngân hàng thành viên với hệ thống ứng dụng trung tâm.
Bà Nguyệt cho biết thêm, lúc này, công ty đang lựa chọn các nhà cung cấp có kinh nghiệm để mua máy móc, thiết bị và cố gắng đưa toàn bộ hệ thống đi vào hoạt động sớm nhất (dự kiến là vào đầu năm sau hoặc có thể lùi tới quý II).
- Việc thành lập một trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia với chức năng chính là kết nối hệ thống thanh toán ATM giữa các ngân hàng được bắt đầu triển khai từ tháng 4/2003 năm nay, theo gợi ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Với tư cách là đơn vị chủ trì đề án, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (VBARD) cùng với Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Công ty tin học CFTD (Hà Nội) đã quyết định thành lập công ty cổ phần (thay vì trung tâm). - Từ tháng 6/2003, Ban trù bị đã hoàn thành các công việc và các thủ tục xin phép thành lập công ty, đồng thời hoàn tất dự thảo điều lệ hoạt động. - Sau thời gian trì hoãn, đến 19/11/2003, Ban trù bị mới thông qua danh sách thành viên hội đồng quản trị và điều lệ hoạt động. - Đến tháng 3/2004, Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp phép hoạt động cho công ty. Tuy nhiên, do thành viên Công ty tin học CFTD Hà Nội xin rút khỏi danh sách nên dự án BankNet tiếp tục phải chờ đợi. - 8 thành viên chính thức của công ty hiện là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Sài Gòn Công thương và Công ty Điện toán và Truyền số liệu. |
Song Linh