Nhiều câu hỏi về sự kiện ba tù nhân bỏ trốn khỏi nhà tù Alcatraz năm 1962 vẫn gây tò mò và lôi cuốn sự chú ý của công chúng Mỹ ngày nay dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
Câu hỏi khiến nhiều người quan tâm hơn cả là liệu ba phạm nhân năm xưa có sống sót sau nỗ lực phi thường của mình hay không? Alcatraz vốn được biết đến là nhà tù kiên cố nhất hành tinh, nằm tách biệt trên một hòn đảo, nơi giam giữ những tên tội phạm khét tiếng, theo Washington Post.
Frank Morris, Clarence Anglin và John Anglin là ba phạm nhân duy nhất trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz mà chính phủ Mỹ vẫn chưa tìm thấy. Mới đây, kênh KPIX thuộc đài CBS đã phát hiện một bức thư gửi cho sở cảnh sát San Francisco vào năm 2013. Trong thư, một người đàn ông tự nhận mình là phạm nhân vượt ngục Alcatraz 56 năm trước, cho hay cả ba phạm nhân đều sống sót sau cuộc tẩu thoát nhưng chỉ còn ông là vẫn sống đến thời điểm đó.
"Tên tôi là John Anglin", bức thư viết. "Tôi đã trốn khỏi nhà tù Alcatraz vào tháng 6/1962 cùng em trai Clarence và Frank Morris. Tôi giờ đã 83 tuổi và sức khỏe yếu. Tôi bị ung thư. Đúng vậy, chúng tôi đã trốn thoát trong đường tơ kẽ tóc".
Bức thư cho biết Morris đã chết năm 2008 và Clarence Anglin qua đời vào năm 2011. "Nếu các bạn thông báo điều này trên truyền hình và tôi được đảm bảo rằng sẽ chỉ bị đi tù không quá một năm và có thể hưởng chăm sóc y tế, tôi sẽ viết thư lại, nói cho các bạn biết chính xác tôi đang ở đâu. Không đùa!", người viết thư quả quyết.
Theo đại diện cơ quan Cảnh sát Tư pháp Mỹ, bức thư trên không có giá trị. Bức thư đã được chuyển tới một phòng thí nghiệm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhằm phân tích chữ viết, so sánh với mẫu chữ từ ba phạm nhân bỏ trốn, nhưng không cho ra kết quả.
"Hiện tại, không có manh mối nào xuất phát từ lá thư nặc danh năm 2013", Cảnh sát Tư pháp Mỹ thông báo. Chưa rõ vì sao phải mất 5 năm bức thư mới được công bố với giới truyền thông. Các quan chức FBI không đưa ra bình luận.
Bất kể số phận của các phạm nhân bỏ trốn ra sao, vụ vượt ngục liều lĩnh khỏi nhà tù được mệnh danh "Hòn đá tảng" mà chúng thực hiện đã trở thành huyền thoại.
Theo FBI, khoảng 6 tháng trước vụ vượt ngục, 4 tù nhân tại Alcatraz bắt đầu lên kế hoạch đào thoát, sử dụng những vật liệu có sẵn hoặc ăn trộm được tạo thành dụng cụ khoan tự chế. Dần dần, các phạm nhân đục những lỗ nhỏ xung quanh cửa thông gió phía sau buồng giam rồi phá vỡ một phần tường đủ rộng để chui qua.
Suốt nhiều tuần, các tù nhân đi qua các cửa thông gió đến một hành lang trống. Chúng dùng nơi này như một "xưởng bí mật" chế tạo các dụng cụ vượt ngục. 4 tù nhân kết 50 chiếc áo mưa chúng ăn trộm hoặc thu nhặt về tạo thành những chiếc áo phao và bè cao su tự chế. Các mấu nối được dính cẩn thận với nhau nhờ tận dụng sức nóng từ đường ống dẫn hơi nước trong nhà tù. Cả nhóm cũng chế ra mái chèo bằng gỗ và biến một chiếc kèn thành dụng cụ bơm căng bè cao su.
Cùng lúc, chúng cũng tính toán cách thoát khỏi nhà tù. Trần nhà cao hơn 9 mét nhưng nhờ lợi dụng hệ thống đường ống nước, chúng có thể trèo lên và tháo được thiết bị thông gió ở trên cùng ống thông hơi. Để giữ nguyên hiện trạng, 4 tên chế ra những chiếc đinh vít từ xà phòng để thay thế đinh sắt cũ.
Cuối cùng, trong khoảng thời gian từ đêm 11/6 đến sáng 12/6/1962, ba người gồm Morris và anh em nhà Anglin bắt đầu triển khai kế hoạch tẩu thoát. Ba tên khiến nhân viên an ninh nhà tù tưởng rằng chúng đang ngủ trong buồng giam bằng cách dùng gối, quần áo nhồi một chiếc đầu giả, quay mặt vào tường.
Ba tù nhân chui qua ống thông gió trong buồng giam lần cuối, thu gom các dụng cụ tự chế từ "xưởng bí mật" và trèo qua thiết bị thông gió lên nóc trại giam. Từ đó, không ai nhìn thấy chúng.
Theo FBI, Allen West, một trong 4 tên lên kế hoạch tẩu thoát ban đầu, đã không đến tập trung kịp giờ và bị bỏ lại.
Suốt hàng thập kỷ, những câu hỏi được đặt ra là: Liệu ba kẻ vượt ngục có thành công đặt chân tới đảo Thiên thần ở phía bắc Alcatraz hay không? Bằng cách nào chúng vượt qua được vùng biển động dữ dội ở khu vực vịnh? Hay có lẽ chúng đã bị Thái Bình Dương nuốt chửng mãi mãi?
Alcatraz bị đóng cửa vào tháng 3/1963, chưa đầy một năm sau vụ vượt ngục nhưng nơi này vẫn được duy trì làm địa điểm tham quan. FBI chính thức khép lại cuộc điều tra về những kẻ vượt ngục Alcatraz vào năm 1979.
"Trong 17 năm chúng tôi điều tra vụ việc, không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy ba phạm nhân vẫn sống dù ở Mỹ hay tại nước ngoài", FBI cho hay. Tuy nhiên, Cảnh sát Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra đến bao giờ xác định được các phạm nhân đã chết hoặc đến khi chúng 99 tuổi.
Vũ Hoàng