Một người đàn ông ở Muaro Jambi muốn phát quang đất để trồng cà phê và cách dễ dàng nhất là đốt. Khi ngọn lửa lan ra, anh ta hoảng loạn, sau đó, có người gọi báo cảnh sát.
"Nhờ nguồn tin báo, chúng tôi bắt được anh ta ngay tại trận và thu giữ bằng chứng", ủy viên George Pakke, lãnh đạo phòng điều tra và tội phạm vùng Muaro Jambi thuộc tỉnh Jambi trên đảo Sumatra của Indonesia, cho hay. Người đàn ông này là một trong ba nghi phạm bị cảnh sát Muaro Jambi bắt tháng trước vì hành vi đốt rừng làm rẫy.
Vùng Muaro Jambi, với phần lớn diện tích là đất bùn, có số điểm cháy rừng lớn nhất tại tỉnh Jambi, trung bình 300-400 điểm vào tháng 8. Chất lượng không khí liên tục xuống cấp khi hỏa hoạn hoành hành. Không khí ở Muaro Jambi thậm chí chuyển sang màu cam đỏ vào ngày 21/9 do sự tán xạ ánh sáng mặt trời bởi các hạt bụi siêu mịn.
Jambi là một trong 6 tỉnh của Indonesia phải đối mặt với tình trạng đốt rừng làm rẫy nghiêm trọng, tạo nên những đám khói mù dày đặc, nghẹt thở, che phủ kín bầu trời suốt gần một tháng qua.
Theo cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia, ô nhiễm không khí ở Jambi còn tồi tệ hơn tình trạng năm 2015, khi một cuộc khủng hoảng khói mù độc hại phát tán khắp Đông Nam Á.
Cảnh sát tỉnh Jambi đã bắt 41 chủ hộ nhỏ và hai đại diện của công ty bị tình nghi làm bùng phát các vụ cháy rừng. Trưởng phòng phòng chống tội phạm đặc biệt Thein Tabero cho hay cảnh sát đang cố gắng hết sức để tóm gọn các thủ phạm gây cháy rừng, song đây không phải công việc dễ dàng.
"Thách thức đặt ra là đôi khi thủ phạm chỉ ném một điếu thuốc rồi chạy mất... Họ không ngu ngốc. Họ không ném thuốc rồi đứng chờ lửa bùng lên rồi mới rời đi", ông nói. Cảnh sát cũng đối mặt với những thách thức khác như khó khăn trong việc tiếp cận những nơi xa xôi, hẻo lánh và nhân lực hạn chế.
Với mong muốn nhanh chóng bắt các nghi phạm, cảnh sát đã kêu gọi người dân cung cấp cho họ thông tin. Nhưng nhiều người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói mù hàng năm vẫn hoài nghi về hiệu quả thực chất trong các chiến dịch trấn áp của cảnh sát.
Trong khi đó, các nhóm bảo vệ môi trường và chuyên gia vẫn tiếp tục đổ lỗi cho những công ty sản xuất dầu cọ và chủ sở hữu đất than bùn, nhấn mạnh rằng tình trạng cháy rừng gây khói mù nghiêm trọng như hiện nay là do con người. Họ yêu cầu nhà chức trách phải có những hình phạt nghiêm khắc hơn để giải quyết triệt để vấn đề.
Hầu hết các vụ đốt rừng, đốt đất than bùn đều diễn ra trong đêm nhằm tránh bị phát giác. Cảnh sát Tabero cho biết ông sẽ không mạo hiểm triển khai lực lượng khi trời tối bởi tầm nhìn sẽ bị hạn chế đáng kể bởi khói dày đặc.
"Rất nguy hiểm bởi rừng là nhà của động vật hoang dã, chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào", ông nói. "Các sĩ quan còn phải tính đến khả năng gặp rắn hay thậm chí là hổ Sumatra, dù chưa có trường hợp nào như vậy xảy ra".
Để bắt được thủ phạm đốt rừng gây khói mù, nhà chức trách phải gần như lập tức xuất hiện tại hiện trường, song theo ủy viên Pakke, điều này gần như là bất khả thi nếu đám cháy bùng phát ở những khu vực hẻo lánh.
"Nhiều lúc, chúng tôi tới hiện trường sau hành trình lái xe dài, khi các nghi phạm đều đã biến mất", ông nói nhưng lưu ý rằng tin báo từ người dân thực sự hữu ích trong việc truy bắt thủ phạm. "Những thông tin kiểu như 'có đám cháy ngay gần nhà tôi' hay 'có cháy phía sau nhà tôi' hay 'cháy ở khu tôi sống' rất có ích. Nó cho thấy một số người đã bắt đầu nhận thức được việc phải chia sẻ thông tin với chúng tôi. Họ hiểu sự nguy hiểm của hành vi đốt rừng, đốt đất".
Không ít người tán thành nỗ lực của cảnh sát song cư dân địa phương cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
"Họ nói họ bắt được thủ phạm nhưng biện pháp trừng phạt thủ phạm thế nào thì chúng tôi không biết", giáo viên tiểu học Mdm Desniwati nói.
Tài xế taxi Amiruddin Noer lại tỏ ra băn khoăn về các công ty sở hữu những vùng đất bị cháy. "Rõ ràng không chỉ cá nhân đốt cháy đất, các công ty cũng làm việc đó, nhưng cảnh sát không động vào họ", ông quả quyết. "Tôi không hiểu vì sao chính quyền không thể bắt họ".
Nếu bị kết tội, những người đốt rừng, đốt đất có thể phải chịu hình phạt 10 tỷ rupiah (706.000 USD) và ngồi tù lên tới 10 năm.
Tuy nhiên, ông Rudiansyah, lãnh đạo nhóm Diễn đàn vì Môi trường Indonesia (WALHI) ở Jambi, cho hay ngay cả khi nhà chức trách bắt được nghi phạm, việc kết án họ hay tìm ra chủ mưu thực sự không phải chuyện dễ.
Để hạn chế các vụ đốt rừng, đốt đất than bùn, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Indonesia đề xuất chính phủ nên đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với thủ phạm.
Theo Kiki Taufik, lãnh đạo chiến dịch bảo vệ rừng của tổ chức, một cuộc điều tra gần đây phát hiện ra rằng các đồn điền cũng như những công ty cọ và công ty bột giấy có đất bị đốt cháy từ năm 2015 đến 2018 chưa phải nhận bất kỳ hình phạt nghiêm khắc nào. "Điều này sẽ không thể ngăn các công ty tiếp tục đốt rừng và đốt đất. Vì thế, chúng tôi khuyến khích chính quyền thắt chặt luật pháp hơn, chẳng hạn như thu hồi giấy phép khai thác của các công ty có đất bị cháy", ông nói.
Taufik đồng thời thúc giục nhà chức trách minh bạch hơn trong các cuộc điều tra của họ bằng cách kịp thời công bố danh tính nghi phạm. Theo ông, chính phủ hiện nay chưa quyết liệt vạch mặt những tập đoàn lớn.
Người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia Doni Monardo lại cho rằng cần giải quyết vấn đề từ gốc rễ: Nâng cao nhận thức của công chúng thông qua việc dạy cách phòng chống thảm họa trong trường học. "Giáo dục từ khi còn nhỏ để trẻ em hiểu rõ về sự nguy hiểm của hành vi đốt rừng, đốt đất", ông nhấn mạnh. Người dân Indonesia cũng nên trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng ít gây hại cho môi trường.
Hôm 2/10, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thông báo đã niêm phong hơn 60 công ty, trong đó có 20 công ty nước ngoài, được cho là phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy rừng trên cả nước.
Rudiansyah từ WALHI cho rằng chỉ niêm phong các công ty là không đủ. "Quy trình pháp lý chống lại các công ty gây ra cháy rừng và cháy đất không hiệu quả", ông nói. "Ví dụ, năm 2015, một công ty bị phát hiện đốt đất, sau đó bị trừng phạt cả về hình sự lẫn dân sự. Nhưng năm 2019, họ vẫn đốt".
Cảnh sát Jambi cho hay dù rất khó tìm ra thủ phạm, lực lượng hành pháp có thể xem xét kiện các công ty để xảy ra cháy rừng, vì họ có nghĩa vụ phải bảo vệ đất được giao quản lý.
"Nếu có cháy, họ phải dập tắt ngay lập tức. Nhưng các công ty, hay ít nhất là hai công ty đang bị điều tra, không có thiết bị cũng như nhân lực để xử lý hỏa hoạn", Tabero nói. "Vì thế, họ cứ để cháy xảy ra. Rồi lửa sẽ lan vào đất của họ. Đây có thể là chiến thuật họ đề ra".
Vũ Hoàng (Theo CNA)