Chị Lê Thị Chi (41 tuổi) hỏi bảo vệ quán hủ tiếu bằng chất giọng Quảng Ngãi.

Ông bảo vệ cũng là cán bộ khu phố, ban ngày cho chị ngồi bán ké, nhưng tối thì đi chung với trật tự đô thị để phạt hàng rong, nên rành lịch trình của họ.

Chị Chi đặt gánh mạch nha dừa xuống vỉa hè, vừa kịp đón lượng khách ăn sáng. Dù là hàng rong, chị vẫn tự quy hoạch 5 chỗ ngồi cố định trên các tuyến đường quanh quận 1. Hai do chị tự phát hiện và xin chủ nhà cho ngồi bán, ba điểm được mẹ "chuyển nhượng" từ 10 năm trước - khi chị vừa vào Sài Gòn. Mỗi nơi, chị chỉ ngồi chừng hai tiếng, đến tối thì lang thang khắp các vỉa hè, phố nhậu. Lộ trình được lên kế hoạch theo từng khung giờ với tiêu chí: đón một lượng khách nhất định và tránh đội trật tự đô thị.

10 năm bán hàng rong, chị sợ nhất là những cán bộ này.

Buôn bán rong được Nghị định 39/2007 của Chính phủ định nghĩa với hai đặc điểm: lưu động, và không phải đăng ký kinh doanh. Dù được nhà nước công nhận như một công việc, chị Chi chật vật hành nghề.

"Mình di chuyển thì họ không phạt. Nhưng sao đi hoài được, cũng phải dừng lại kéo kẹo, lấy bánh cho khách. Trúng lúc ấy mà bị đô thị bắt gặp là coi như xong", chị giải thích cho một thập kỷ trốn tránh đội trật tự đô thị.

Người đi trốn

9h, đang rảo bước đến chợ Bến Thành, chị Chi thấy lấp ló phía trước chiếc xe bán tải của đội trật tự đô thị đậu bên đường. Cạnh đó, ba bóng áo xanh đang tịch thu bàn ghế bày bán trước chùa Bà Ấn. Chị vội vã cắt ngang con phố, cúi đầu để chiếc nón lá che hết mặt, mặc mấy chiếc xe bấm còi inh ỏi vì cú sang đường bất ngờ. Gánh hàng rong nép sâu trong hẻm nhỏ, chờ chiếc bán tải rời đi.

Mới mấy ngày trước, chị bị trật tự đô thị phạt, vẫn chưa hoàn hồn. Lúc lui cui lấy điện thoại gọi cho con gái - vừa vào TP HCM nhập học, chị thấy một bàn tay chộp lấy đòn gánh. Nhìn lên là người đàn ông mặc áo xanh nhạt với phù hiệu hai bên cầu vai - bộ đồng phục mà chị ám ảnh. Năn nỉ một hồi nhưng thất bại, chị đành để họ tịch thu chiếc đòn gánh gắn bó chục năm.

Khung cảnh giống y 10 năm trước - lần đầu chị bị phạt khi mới vào nghề được ba ngày. Vừa ngồi xuống trước rạp phim, chị ngơ ngác khi mấy gánh bánh tráng xung quanh chạy túa vào các nhà gần đó, nhanh như cắt. Từ quê ra phố, chị mới biết về trật tự đô thị qua lời kể của mẹ. Chưa kịp hiểu chuyện gì, một người đàn ông chộp lấy gánh hàng, bỏ chúng vào thùng xe tải bên trong chất đầy biển quảng cáo, ghế nhựa….

Đội vừa đi, ai nấy lại ùa ra bán. Chị lên phường, khóc như mưa, mong xin lại chiếc đòn gánh lập nghiệp nhưng cán bộ nêu mức phạt 700.000 đồng. Chị tính, vốn bỏ ra cùng lắm cũng chưa tới 500.000, không bằng tiền phạt, đành bỏ.

"Từ đó không bao giờ quay lại rạp phim đấy nữa. Dị ứng lắm", chị kể.

Ngày ấy, chị hiểu ra, gánh hàng rong không lãng mạn như trong thơ ca nhạc hoạ, mà được xem là biểu hiện của sự hỗn loạn và mất trật tự, cần phải "dọn dẹp" để giữ văn minh cho đường phố. Né trật tự đô thị trở thành tiêu chí cao nhất trong mọi quyết định kinh doanh của chị Chi.

Gánh hàng rong của chị Chi được thu xếp gọn gàng, không một chi tiết thừa, để chạy ngay khi thấy bóng trật tự đô thị

Cần khách, nhưng chị Chi luôn tránh những chỗ quá đông người vì "dễ bị đô thị chú ý". Để yên ổn, chị chấp nhận bán ở những nơi vắng hơn. Đôi khi, chị chọn ranh giới giữa các phường hoặc quận. Đây là "mánh" được giới hàng rong truyền tai nhau, bởi trật tự đô thị chỉ có thể phạt trong địa giới hành chính. “Chiêu” này thường rất hữu ích nếu thông thuộc địa bàn.

Gánh mạch nha hơn 15 kg khiến chị cứ dăm ba phút phải đổi vai một lần. Đôi chân nhịp nhàng lách qua đủ loại chướng ngại vật, thành thục né tránh dòng xe bất ngờ lao lên hè phố không báo trước.

Vất vả, nhưng người phụ nữ 41 tuổi chưa từng có ý định đổi sang xe đẩy như xu hướng bây giờ, bởi vỉa hè Sài Gòn "không được thiết kế cho những thứ có bánh". Chị thường bắt gặp những chiếc xe lăn bán vé số phải đi dưới lòng đường dù hè phố không bị lấn chiếm. Nhiều vỉa hè không có chỗ lên xuống, hoặc những barrie nằm chắn ngang sẽ khiến chiếc xe mắc kẹt ở đâu đó.

“Đi vậy khó trốn đô thị lắm", chị đúc kết.

Nhờ khối kinh nghiệm đó, 10 năm qua, chị mới bị phạt đúng hai lần, ít hơn nhiều so với "đồng nghiệp" cùng địa bàn. Hú hồn nhất là giai đoạn quận 1 mở chiến dịch dọn dẹp vỉa hè năm 2017, do nguyên phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo, chị đã tưởng phải bỏ nghề.

Chị Chi kể về giai đoạn ám ảnh nhất trong 10 năm "chạy" đô thị

Chị Chi kể về giai đoạn ám ảnh nhất trong 10 năm "chạy" đô thị

Trưa, chị Chi lấy trong rổ tre suất ăn tự nấu gồm cơm trắng và canh cải tôm, không có món mặn. Từ ngày biết tin con đậu đại học, chị tằn tiện hơn. Con vừa nhập học, chị đã phải đóng 16 triệu học phí - số tiền bằng 800 cái bánh tráng kẹo. Con gái học đại học phải mất 4 năm, còn đứa con trai nhỏ đang lớp 7. Hai vợ chồng càng tính càng lo, nhưng chị không muốn truyền mối lo âu ấy cho con gái. Chỉ với gánh hàng rong này, mẹ chị đã nuôi 3 người con khôn lớn. Chị tin cũng có thể nuôi hai đứa con ăn học đủ đầy.

10 năm trước, kinh tế ở quê nhà Quảng Ngãi khó khăn, kiếm bữa nào ăn bữa đó, chị quyết theo mẹ vào TP HCM bán kẹo mạch nha dừa. Tính tổng thời gian hai mẹ con bán hàng rong cộng lại đã hơn 40 năm, nuôi sống hai thế hệ. Họ là chân dung điển hình cho những lao động phi chính thức trên vỉa hè TP HCM: phụ nữ, hơn 40 tuổi, học hết lớp 9, dân nhập cư, mang trên vai gánh nặng gia đình.

Theo nghiên cứu gần nhất năm 2019 của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, 70% người bán hàng rong ở trung tâm thành phố là nữ và 70% là dân nhập cư. Đa số trên 40 tuổi - nhóm không còn được săn đón ở các nhà máy - khu vực kinh tế chính thức. Họ lựa chọn hàng rong bởi công việc giản đơn, không ràng buộc độ tuổi, giới tính, quê quán, học vấn, kinh nghiệm.

Độ tuổi và giới tính của người bán hàng rong tại trung tâm TP HCM

(*Theo khảo sát Người bán hàng rong tại TP HCM (2019) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)

Với những lao động nhập cư tay trắng như chị Chi, bán hàng rong là phương án "khởi nghiệp" nhanh nhất, rẻ nhất. Mạch nha gởi từ quê lên, dừa chỉ mấy nghìn một trái, mua thêm đòn gánh và ít bánh tráng để giỏ hàng thêm hấp dẫn, tổng vốn chưa tới 500.000 đồng. Mặt bằng là tất cả con phố chị đi qua, và khách hàng có thể là bất cứ ai đi tới.

Mỗi ngày, chị đi bán từ 8h đến 22h. Nhưng nếu trời mưa lớn, hoặc hôm nào mệt, chị về nhà nghỉ mà chẳng sợ ai rầy la. Có khi, chị về quê hẳn 1-2 tháng để chơi với các con, rồi mới lên bán lại, cũng không sợ bị mất việc.

Nếu buôn may bán đắt, chị lời trung bình 200.000 đồng mỗi ngày. Cả tháng bán đủ 30 ngày được 6 triệu - bằng mức lương cơ bản của công nhân, nhưng được độc lập, tự do. Thế nên, dù nhiều người khuyên, chị chưa bao giờ có ý định vào làm nhà máy.

"Bán cái này cũng ổn, chỉ có lúc chạy đô thị là bất ổn", chị cười nói.

Người đi tìm

Chỉ hai tiếng kể từ khi vào ca trực chiều, chiếc xe tải nhỏ chở tang vật của Đội Trật tự đô thị quận 1 đã đầy ắp, phải về kho cất. "Kho tang vật của quận, cái nào cũng chật cứng. Thu hết không được, mà trả lại thì họ lại tái diễn vi phạm", ông Lê Hữu Hùng, Tổ trưởng Đội Quản lý Trật tự Đô thị quận 1, than phiền.

Trước đây, khi còn xe đẩy tay, mỗi ngày ra quân, đội thu về 10-20 chiếc. Trường hợp đến nhận quyết định xử phạt, đóng tiền, và chứng minh là chủ sở hữu thì phường mới có thể trả lại đồ đạc. Số còn lại phải tiếp tục lưu giữ, khiến hàng hoá tạp nham như rổ rá, ghế nhựa, đòn gánh… xếp thành núi trong kho.

Số tang vật thu giữ nửa đầu năm đã bằng 90% năm 2022, gấp 2,5 lần năm 2021 (năm đại dịch)

Nguồn: UBND Quận 1

18h, thành phố vào giờ tan tầm, cũng là lúc những xe đẩy hàng rong ồ ạt đổ ra các con phố cho ca bán tối. Đoàn 4 xe máy cùng ôtô tải nhỏ của Đội len lỏi giữa dòng người ken đặc, mang theo trọng trách giữ bộ mặt đô thị cho thành phố. Thông thường, một nhóm tuần tra của phường có 3 người. Nhưng tuần này, Đội ra quân đông và làm gắt hơn bởi có sự kiện.

Ông Hùng chỉ tay ra hiệu về gánh bánh tráng nướng trên đường Nguyễn Huệ, 4 xe máy đồng loạt dừng lại. 8 cán bộ trật tự đô thị vội xuống xe tạo thành hàng rào người xung quanh. Người phụ nữ bán bánh tráng vội gánh hàng, toan bỏ chạy vào khu chung cư ngay cạnh nhưng bị ông Hùng giữ lại. Năn nỉ không được, chị đành chịu. Quyền xử phạt thuộc về công an hoặc UBND phường, Đội chỉ có thể tịch thu tang vật trước, rồi để người vi phạm lên phường lập biên bản xử phạt sau.

...

Đội Trật tự đô thị quận 1 tuần tra và xử lý những người bán hàng sai quy định.

Sau nhiều năm, Đội trật tự đô thị rút ra một bài học: không nên đi một mình. "Nếu đi 1-2 người, gặp chuyện không ai hỗ trợ. Họ hăm mình liền", ông Hùng lý giải cho quân số áp đảo mỗi lần ra quân dẹp vỉa hè.

Thành thói quen, mỗi lần xử lý ai, họ đều thu giữ dao kéo, vật nhọn, và bếp than trước để tránh nguy hiểm. Những người sợ hãi sẽ chạy bạt mạng, còn ai không sợ thì phản kháng. Trường hợp nào cũng gây nguy hiểm cho người xung quanh. Ông Hùng cùng nhiều anh em trong Đội ai cũng ít nhất một lần bị miệt thị bằng lời lẽ nặng nề, xúc phạm, thậm chí dùng vũ lực chống cự.

Cuối năm ngoái, trong lúc đề nghị một thanh niên đi xe máy rời khỏi phố đi bộ, ông bị người này đánh rồi bỏ chạy. Ông không chống cự. "Giờ đi ra đường ai cũng có cái máy để quay hết, mình làm đúng cũng là sai. Mình tự vệ cũng là sai. Nên thôi, làm thinh thôi. Về mình mời công an ra xử lý lẹ hơn", Tổ trưởng Đội trật tự đô thị quận 1 nói.

Đội Trật tự Đô thị bị người bán hàng rong phản kháng khi xử lý vi phạm.

Xe máy của ông Hùng luồn lách giữa dòng người, đôi mắt soi từng quầy hàng trong hội chợ tấp nập, tìm kiếm những gánh hàng rong "ẩn nấp". Bất chợt, ông ra hiệu cho đồng đội, đưa ngón trỏ về hướng một người phụ nữ mặc áo phông trắng lái chiếc Air Blade đen chạy sau. Tất cả ngầm hiểu đó là "kẻ theo đuôi".

"Hội bán hàng rong buôn bán theo nhóm, thấy lực lượng trật tự đô thị đi là cử 1-2 người theo để báo động vị trí, né mình", ông giải thích, tỏ ra thành thục với các "chiêu trò" lẩn trốn.

Nghiệp vụ từ khi ông còn làm công an trở nên hữu ích lúc này. Đang đi, ông bất thình lình rẽ phải. Người phụ nữ áo trắng mất đà đi vụt qua, lấm lét quay lại nhìn, gặp ngay ánh mắt "cảnh cáo" của ông Hùng. Nhưng vô ích, "kẻ theo đuôi" không bỏ cuộc, tiếp tục đeo bám suốt cả buổi, cùng đi, cùng dừng như một thành viên của tổ công tác.

Sau nhiều năm kinh nghiệm, ông Hùng chia những người bán hàng di động theo hai nhóm: dân buôn bán "có hồ sơ"; và những người khó khăn, sinh viên trẻ tìm đường mưu sinh. Ông tự tin nhận định "dòm mặt là biết ai cộm cán, ai mới vào nghề". Những trường hợp mới vi phạm, ông thường chỉ nhắc nhở rồi cho qua.

"Không thể xử lý hết được, nhưng phải phạt để làm gương. Nếu không, họ sẽ bán tràn lan", ông nói.

Đội trưởng Đội Trật tự đô thị quận 1 Nguyễn Đức Thắng, Phó Phòng Quản lý đô thị, giải thích vỉa hè là nơi phản ánh rõ nhất tình trạng kinh tế của những lao động phi chính thức. Thế nên sau đại dịch, Đội "phạt không xuể" vì lượng người ra vỉa hè mưu sinh nhiều vô kể.

"Nhiều người đặt vấn đề tại sao đô thị xử lý không kiên quyết, không triệt để. Thực sự chúng tôi làm không thở kịp. Phạt không giải quyết được cái gốc lõi của vấn đề", ông nói.

Tổ trưởng Lê Hữu Hùng cũng thừa nhận thực tế dù Đội tuần tra liên tục, nhưng mỗi lần quay lại tình hình đều như cũ, người bán hàng rong thay đổi hình thức bán để đối phó. Ông đề xuất thành phố quy hoạch khu vực riêng cho người bán hàng rong, và chỉ cho bán đến hai năm rồi nhường chỗ cho người khác. Đây như cách thành phố hỗ trợ những người khó khăn trong giai đoạn đầu "khởi nghiệp", còn cán bộ trật tự đô thị như ông cũng không phải mải miết trong cuộc đuổi bắt không biết điểm dừng.

Nơi ẩn náu

Trong cuộc tìm kiếm gắt gao của trật tự đô thị, nhiều người bán hàng rong đã tự tìm ra "nơi ẩn náu" cho mình, thông qua sự giúp đỡ của những chủ nhà mặt tiền. Giao dịch với chủ nhà để có một điểm bán cố định trên vỉa hè trở thành một "khế ước ngầm" mà nhiều người bán hàng rong chấp nhận tuân theo với nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Một chủ nhà trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, cho biết đã cho thuê mặt bằng tầng trệt làm tiệm cắt tóc, nhưng vỉa hè trước cửa còn chỗ trống nên cần tìm người thuê. Giao dịch không cần hợp đồng, nộp tiền mặt. Giá thuê đã bao điện, nước, chỗ để đồ và thậm chí cả nhà vệ sinh. Trong khi đó, người thuê sẵn sàng trả mức phí 2-3 triệu đồng mỗi tháng để được buôn bán yên ổn. Vỉa hè vô tình trở thành một loại hình bất động sản với hiệu suất sinh lời gần như tuyệt đối.

Hình ảnh bài đăng trên mạng xã hội tìm người thuê vỉa hè

Trong nghiên cứu về đời sống vỉa hè Sài Gòn, GS ngành Chính sách công Annette M.Kim gọi đây là "sự hợp tác với người bán hàng và chủ sở hữu bất động sản". Việc phải trả phí hay buôn bán miễn phí trước mặt tiền là thỏa thuận riêng của từng người. Bà cho rằng đây là điều đáng ngạc nhiên và cho thấy nét nhân văn trong văn hoá đô thị Sài Gòn, khác hẳn hầu hết các thành phố khác ở Mỹ và châu Âu, nơi hai đối tượng này thường chống lại nhau thay vì chia sẻ không gian để đôi bên cùng hưởng lợi.

Nhờ sự dàn xếp đó, những người buôn bán trên vỉa hè tạo thành một hệ sinh thái hoạt động gối đầu liên tục, khiến nhiều mặt bằng vỉa hè hầu như không có thời gian chết. Vỉa hè đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, là một minh chứng khi hàng quán liên tục thay phiên nhau sử dụng hè phố hết công suất.


Vỉa hè Sài Gòn sắp bước vào một cuộc cải cách mới.

Giữa tháng 9, HĐND TP HCM thống nhất chủ trương về thu phí vỉa hè, áp dụng từ đầu năm 2024. Theo đó, ai muốn kinh doanh trên hè phố - dù buôn bán hay để xe - đều phải theo danh mục vị trí được Sở Giao thông cùng UBND quận phê duyệt, đăng ký và đóng phí cho nhà nước. Quy định này đánh dấu sự thay đổi quan điểm của chính quyền thành phố với việc buôn bán trên vỉa hè, kỳ vọng mang lại cuộc cải cách cho bộ mặt đô thị nhờ cơ chế công khai, minh bạch.

Nhưng những người bán hàng rong nay đây mai đó như chị Chi thấy bối rối.

"Thế bán hàng rong như mình thì làm thế nào?", chị hỏi khi nghe về chính sách mới.

Gánh mạch nha của chị dài chừng 1,5 m, ngồi không tốn tới một m2, phí cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng mỗi tháng - bằng 5 cái bánh kẹo, mức dễ chịu với chị. Nhưng 10 năm buôn bán, chị chưa từng ngồi yên một chỗ từ sáng tới tối, bởi người Sài Gòn ít đi bộ, chị không đến với khách, không biết khách có đến với chị không.

Những người quản lý trật tự đô thị như ông Hùng thì mong chờ chính sách này, bởi mọi vi phạm có thể đo lường được nhờ chia ô kẻ vạch, nhiệm vụ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nhưng ông không dám chắc khi quy định mới được áp dụng, "cuộc chơi trốn tìm" với những người bán hàng rong liệu có dừng lại. Bởi nếu không có một nơi bán cố định như yêu cầu của nhà nước, họ sẽ tiếp tục rong ruổi khắp các lòng đường hè phố, còn ông vẫn sẽ phải đóng vai người rượt đuổi cho đến khi đường phố "sạch bóng" hàng rong.

Nội dung: Thu Hằng - Việt Đức

Đồ hoạ: Khánh Hoàng - Thanh Hạ - Đăng Hiếu

Ảnh, Video: Thanh Tùng, Thu Hằng, Đội TTĐT Quận 1

Bài 2: Kinh tế vỉa hè - Thị trường vô thừa nhận