Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, nằm trong số 118 người được bầu làm đại biểu quốc hội Trung Quốc của tỉnh Hồ Nam. Ông Vương từng là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông thôi nắm giữ mọi vị trí then chốt trong đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái.
Quốc hội Trung Quốc thường họp một năm một lần. Việc ông Vương được bầu là một trong số 3.000 đại biểu không chắc chắn rằng ông sẽ trở lại giữ chức vụ cao. Tuy nhiên, hiếm khi một cựu lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc lại tham gia vào cơ quan lập pháp.
Trước khi thông báo này được đưa ra, một số nguồn tin nói với NYTimes rằng ông Vương có khả năng được chọn làm phó chủ tịch nước khi quốc hội Trung Quốc dự kiến họp vào tháng ba. Báo Hong Kong SCMP hồi tháng 12 cũng đưa ra thông tin tương tự.
Tại Trung Quốc, phó chủ tịch nước là một vị trí không có nhiều thực quyền. Ông Lý Nguyên Triểu, người nắm giữ vị trí này từ năm 2013, có ít dấu ấn và không phải là thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Ông cũng đã rời Bộ chính trị CPC hồi tháng 10 năm ngoái. Nhiệm vụ chính của ông chủ yếu là đón tiếp quan chức nước ngoài.
Tuy nhiên, trong những thập niên trước, vị trí này thuộc về những chính trị gia quyền lực có ảnh hưởng lớn đến chính sách. Cả ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đều từng giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho biết ông Vương có thể sử dụng vị trí này để làm cố vấn và thực hiện các chính sách cho ông Tập.
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có quy định tuổi nghỉ hưu là 68. Trong khi đó, luật pháp Trung Quốc không giới hạn tuổi tối đa với cả chủ tịch lẫn phó chủ tịch nước.
"Có một điều chắc chắn là ông Vương vẫn được nhiều người kính trọng ở Trung Quốc", Randal Phillips, cựu quan chức tình báo Mỹ, nói.
"Động thái này càng làm củng cố đồn đoán rằng ông sẽ giữ chức phó chủ tịch nước", Phillips nói. "Không có lý do gì để ông ấy ngồi vào một ghế đại biểu quốc hội nếu họ không có kế hoạch đưa ông ấy lên đảm nhận một số vị trí cấp cao trong chính phủ. Vị trí phó chủ tịch nước là hợp lý nhất".
Một số nhà phân tích cho rằng việc con đường chính trị của ông Vương vẫn tiếp tục có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Tập và ông Vương lần đầu tiên gặp nhau cách đây 5 thập niên, trong thời Cách mạng Văn hóa, khi họ cùng làm việc tại một khu vực đồi núi nghèo ở tây bắc Trung Quốc. Ông Tập kể lại rằng từng đến thăm ông Vương và cho mượn một cuốn sách về kinh tế trong thời gian này.
Trước khi trở thành trùm chống tham nhũng năm 2012, ông Vương đã đảm nhận các chức vụ chuyên về kinh tế. Ông từng là phó thủ tướng, có trách nhiệm chỉ đạo phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông cũng thường gặp các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia phương Tây.
Deng Yuwen, nhà bình luận tại Bắc Kinh, nhận xét: "Với tình hình hiện giờ, nhiều khả năng ông ấy sẽ trở thành phó chủ tịch nước".
"Nhìn chung, phó chủ tịch Trung Quốc là vị trí mang tính biểu tượng và nghi thức", ông Deng nói. "Nhưng ông Tập có thể sắp xếp để ông Vương có những nhiệm vụ quan trọng và thiết thực hơn".
Phương Vũ