Tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) hồi cuối tháng 10 trở về Nhật sau chuyến huấn luyện kéo dài hai tháng ở Ấn Độ Dương. Trong chuyến đi này, tàu chiến Nhật Bản đã chạm mặt với nhiều chiến hạm Trung Quốc, trong đó có cả một tàu ngầm ngay trước khi tiến vào Biển Đông, theo Strait Times.
Sáng sớm 25/10, tàu khu trục Lan Châu thuộc lớp Type-052C của Trung Quốc xuất hiện và duy trì khoảng cách 10 km ở phía sau mạn phải JS Kaga, khi chiến hạm Nhật đang ở trên Biển Đông.
"Tàu chiến Nhật Bản số hiệu 184. Đây là tàu chiến số hiệu 170 của Trung Quốc. Chào buổi sáng, rất vui được gặp các bạn. Hết", chỉ huy tàu khu trục Lan Châu gửi thông điệp qua kênh liên lạc vô tuyến quốc tế. Chỉ huy trên tàu JS Kaga đáp lại bằng thông điệp tương tự, nhưng phía Trung Quốc không phản hồi thêm.
Đêm đó, chiến hạm Nhật Bản bắt đầu hoạt động tìm kiếm một tàu ngầm Trung Quốc. "Khoảng 2h sáng 26/10, tôi bị đánh thức bởi những tiếng rít như tiếng cá voi vang lên khắp khoang tàu tối om. Đó là tiếng động từ hệ thống định vị thủy âm (sonar) của JS Kaga", phóng viên Tatsuya Fukumoto, người có mặt trên tàu sân bay trực thăng Nhật lúc đó, nhớ lại.
Trước đó 10 ngày, thủy thủ đoàn Kaga đã rất ngạc nhiên khi thấy một tàu ngầm Trung Quốc đang di chuyển trong trạng thái nổi trên mặt nước gần eo biển Malacca. "Việc thấy tàu ngầm nước ngoài đang hoạt động là điều hiếm gặp, sự kiện này còn đặc biệt hơn với các tàu ngầm Trung Quốc", Fukumoto cho biết.
Tàu ngầm Trung Quốc vượt qua eo biển Malacca và tiến vào Biển Đông, sau đó biến mất khỏi tầm quan sát. Cuộc tìm kiếm do JS Kaga tiến hành dường như là nỗ lực nhằm phát hiện lại chiếc tàu ngầm này. Ngoài hệ thống sonar trên tàu JS Kaga và JS Inazuma, trực thăng SH-60K cũng thả phao thủy âm để tìm dấu hiệu từ tàu ngầm Trung Quốc.
Sáng 26/10, một tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A bắt đầu bám đuôi biên đội tàu Kaga, thay thế cho tàu Lan Châu. Cuộc tìm kiếm tàu ngầm Trung Quốc cũng chấm dứt, do tàu chiến Nhật phải tăng tốc để rời Biển Đông để tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão Mangkhut.
Biên đội Kaga cập cảng Okinawa vào sáng 30/10, kết thúc hành trình dài hai tháng qua Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Việc tàu chiến hai nước liên tục gặp nhau trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ hành động của Tokyo trong khu vực. Các tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc từng bám đuôi biên đội tàu sân bay JS Kaga khi nó đi qua Biển Đông hồi cuối tháng 9, nhưng hai bên lúc đó chỉ gửi tín hiệu vô tuyến để thông báo sự hiện diện của nhau.
Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường hiện diện để duy trì an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khoảng 1/3 lưu lượng hàng hóa toàn thế giới được vận chuyển qua khu vực này, với giá trị hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm. Biển Đông cũng có nhiều nguồn lợi thủy hải sản, cùng trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" để ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tòa Trọng tài Thường trực cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế, tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục xua đuổi, cảnh báo máy bay, tàu chiến các nước tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.