Trao đổi với VnExpress ngày 4/8, ông Trương Quang Mẫn, Tổng giám đốc khối vận tải hãng taxi Mai Linh cho biết, hiện công ty đã điều chỉnh mức tăng trong biên độ không vượt quá 15%. "Trước đó, ngày 1/8 sau khi tính toán công ty quyết định nâng giá lên 17% nhưng vì đã cam kết giá không quá cao gây sốc cho người dân nên sau đó Mai Linh đã hạ mức cước như hiện nay", ông nói.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty Ánh Dương, kiêm Giám đốc taxi Vinasun khẳng định mức tăng 15% như vậy là hợp lý nhất với các doanh nghiệp. Nếu vượt quá tỷ lệ này là hơi cao, còn thấp hơn sẽ "khó" cho hoạt động kinh doanh công ty.
Cước taxi ở TP HCM 11.500 đồng một km là hợp lý. Ảnh: Kiên Cường |
Hiện 1.800 đầu xe của công ty đều đã điều chỉnh giá cước với mức 11.500 đồng một cây số trong 30 km đầu, km thứ 31 trở đi sẽ tính 8.000 đồng mỗi cây. Theo ông Hỷ, ngay sau khi xăng tăng giá có một số doanh nghiệp đã đưa mức giá lên 20% nhưng sau đó đã hạ xuống đúng mặt bằng chung là 11.500 đồng một km và giữ nguyên mức này.
Ông Võ Ba, Giám đốc Công ty Ngôi sao Tương lai cho biết, mặc dù hãng này mới đầu tăng 17-18% giá cước so với trước nhưng mức cuối cùng cũng chỉ 11.500 đồng một km. Ông phân trần: "Tăng như thế chỉ là việc "cực chẳng đã" vì đối nghịch sẽ là lượng khách giảm đáng kể". Theo ông Ba, tính từ khi nhiên liệu lên tới giờ doanh thu công ty đã giảm 15-20%.
Ông phân tích tiếp, đợt tăng giá xăng vừa rồi chỉ là nguyên nhân cuối cùng để các doanh nghiệp taxi quyết định tăng giá, vì từ đầu năm lãi suất ngân hàng tăng, gíá nguyên vật liệu phụ tùng cũng lên theo nên rất khó có khả năng mức này hạ xuống trong thời gian tới.
"Những doanh nghiệp lớn thì chi phí nhiên liệu chiếm gần 30% tổng chi phí. Nhưng với hãng nhỏ, chi phí này tăng lên 35% buộc công ty phải tăng giá để tồn tại", ông Nguyễn Ngọc Tỏa, Giám đốc Công ty taxi Sài Gòn Petrolimex cho biết.
Theo ông Đinh Quang Hiền, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, việc tăng giá như thế nào cho hợp lý tùy thuộc vào từng đơn vị, từng loại xe... Dựa vào những yếu tố này mà doanh nghiệp sẽ đưa ra mức cước hợp lý nhất.
Cũng liên quan đến việc tăng giá cước của các hãng taxi, trong thời gian đầu sau khi xăng dầu điều chỉnh lên, do một số công ty chưa tính tỷ lệ ăn chia kịp thời cho các tài xế nên đã xuất hiện tình trạng bất bình của các bác tài.
Điển hình, tuần trước hàng chục tài xế của hãng Sài Gòn Petrolimex đã phản đối công ty bằng cách trả chìa khóa xe, giao hợp đồng lại cho công ty vì cho rằng mức tỷ lệ ăn chia giữa doanh nghiệp với lái xe là chưa hợp lý.
Anh Nguyễn Thanh Liêm, tài xế taxi Sài Gòn Petrolimex phân tích, trước đây bình quân tỷ lệ ăn chia là 50-50 (tài xế hưởng phân nửa doanh thu một ngày). Tuy nhiên từ khi xăng lên giá, một ngày anh phải trả thêm 150.000 tiền nhiên liệu nhưng công ty vẫn giữ nguyên mức chia như trên nên rất khó khăn cho anh em.
Ông Tỏa thừa nhận, tình trạng lãn công của tài xế vừa rồi là có thật. Tuy nhiên do 6 tháng đầu năm tình hình kinh doanh hãng không phát triển, cộng thêm các khó khăn khác nên công ty phải ít nhất trong 10 ngày sau khi xăng dầu lên giá mới tính lại tỷ lệ ăn chia với tài xế. "Sau khi tính toán kỹ lại, công ty mới đưa ra tỷ lệ khác, rất có thể sẽ là 52-48 (tài xế hưởng thêm 2%)", ông Tỏa nói.
Trong khi đó đại diện hãng Vinasun cho biết, doanh nghiệp đã điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với tài xế theo hướng nâng tỷ lệ cho lái xe, rút bớt doanh thu của công ty. Cụ thể, hãng tăng thêm 2% cho lái xe được hưởng từ 62,5% lên 64,5% doanh thu. Tương tự, hãng Future điều chỉnh tăng thêm tỷ lệ ăn chia cho lái xe 2-2,5% tùy theo đời xe.
Kiên Cường