Các hãng taxi đang gặp khó vì chi phí nhiên liệu ngày càng đắt đỏ. |
"Từ năm 1996 đến nay giá xăng dầu tăng 240%, từ 2.500 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá cước taxi trung bình vẫn ở mức 4.900 đồng. Lần này, xăng dầu tăng giá 7,14% thì cước taxi phải tăng khoảng 10%", ông Bình phân tích.
Hà Nội hiện có 26 hãng taxi, để chen chân được vào thị trường này, các hãng đang phải cạnh tranh nhau quyết liệt. Việc tăng giá xăng dầu càng làm các hãng khó khăn hơn.
Đại diện Taxi 52 cho biết, tuy khoán doanh thu (lái xe tự lo xăng dầu), mỗi lần nhiên liệu tăng giá công ty vẫn bù chênh lệch cho lái xe. Lần này, doanh nghiệp không "gánh" được chi phí cho cả 80 xe, nhưng cũng không thể để lái xe chịu. Theo tính toán sơ bộ, giá xăng dầu tăng, mỗi tháng một lái xe chịu thiệt gần 200.000 đồng, còn công ty phải bù gần 20 triệu.
Ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Airport taxi, cũng chưa biết giải quyết sao cho hợp lý bởi hãng mới áp dụng giá cước mới 120.000 đồng/lượt Hà Nội - sân bay (giảm 20.000 đồng) từ tháng 1. "Chúng tôi tăng giá trở lại thì hóa trò cười, sẽ mất hết tín nhiệm với khách hàng".
Airport Taxi khoán mỗi lái xe nộp 16,5 triệu đồng/tháng. Trước đây, công ty chi 2,2 triệu đồng cho tiền xăng cho mỗi xe, nay phải tăng lên thành 2,4 triệu đồng. Tính sơ sơ, mỗi năm, hãng này thiệt 400 triệu đồng.
Mặc dù đều lo lắng về việc doanh thu sụt giảm, hầu hết các hãng taxi tại những thành phố lớn trong cả nước khẳng định, sẽ không tuỳ tiện tăng giá, vì phải thông qua hiệp hội và mặt bằng giá cước hiện tại đã quá cao so với thu nhập của nhiều người.
Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, sẽ đặt vấn đề "giá mới" trong top công việc cần giải quyết tuần này. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách chuyên chạy những tuyến đường ngắn thì việc tăng giá xăng dầu như hiện nay không làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập.
Anh Lương Hoàng Trung, trưởng trạm khai thác và điều độ số 16 thuộc Công ty cổ phần ôtô vận tải số 1 TP HCM, cho biết: "Chúng tôi có bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu tăng, nhưng đó chỉ là đối với những xe chạy đường dài, chứ các tuyến khoảng trên dưới 200 km thì không đáng bao nhiêu". Xe của Công ty Kim Hương vẫn giữ mức giá 64.000 đồng cho tuyến Sài Gòn - Châu Đốc.
Tuy nhiên, giá xăng tăng lại là cái cớ rất hợp lý để các xe "dù" tăng giá. Nếu khách hàng nào cũng chấp nhận mức giá mới mà họ đưa ra, tăng 5.000-10.000 đồng/lượt sau "sự kiện 22/2" thì nhà xe còn thu lợi nhiều hơn so với mức giá cũ. Hành khách cũng có vẻ thông cảm với những "khó khăn" của nhà xe mà vui vẻ chấp nhận - ngoại trừ những người thường xuyên buôn bán xa. "Các bà buôn cò kè dữ lắm, chẳng lên thêm được đồng nào đâu. Chúng tôi chỉ có thể đòi tiền thêm của khách đi lẻ thôi", một ông chủ của 3 xe 24 chỗ ngồi tuyến TP HCM - Tiền Giang nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, các doanh nghiệp tự bù lỗ các chi phí phát sinh. "Tuy nhiên, chủ trương chung của ngành là không tăng giá vé", ông nói.
Riêng cánh xe buýt lại tỏ ra rất thờ ơ trước việc xăng lên giá. Một tài xế của Liên hiệp xe buýt TP HCM nói: "Giá vé xe buýt không tăng nữa đâu vì nếu cần tăng thì tăng từ lâu rồi. Xe buýt lâu nay vẫn vừa chạy vừa bù lỗ, đâu cần đến giá xăng thay đổi". Lãnh đạo Sở Giao thông công chính thành phố sáng nay cũng cho biết, chưa có chủ trương tăng giá vé xe buýt vì vẫn đang trong chiến dịch khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông này.
Còn tại Hà Nội, theo Sở Giao thông công chính, một xe buýt phải tăng thêm chi phí là 9.000 đồng/100 km. Toàn hệ thống có 540 xe, một ngày phải chi thêm 12 triệu đồng, một năm hết khoảng 4,3 tỷ đồng. Chi phí này sẽ do UBND thành phố gánh, chứ không tăng giá vé.
Lê Cường - Phong Lan - Đoàn Loan